Multimedia Đọc Báo in

Ổn định đội ngũ giáo viên - một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn

09:00, 06/04/2012

Năm học 2011-2012, huyện Krông Bông đã có đội ngũ giáo viên (GV) đủ về số lượng, trình độ chuyên môn cũng được nâng lên. Toàn huyện hiện có 1.018 GV ở 3 bậc học Mầm non, Tiểu học và THCS; trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 98,9% (trong đó có 55% đạt trên chuẩn).

Tuy nhiên, ở 3 xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện là Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao, tỷ lệ học sinh DTTS chiếm trên 80%; chất lượng giáo dục ở những vùng này còn rất nhiều hạn chế mà một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là đội ngũ GV hằng năm không ổn định, đặc biệt là ở các trường Tiểu học. Số GV tại chỗ chỉ chiếm khoảng 50%, còn lại là ở nơi khác luân chuyển đến. Đa số GV đã có gia đình nên khi hết “nghĩa vụ” (3 năm đối với nữ, 5 năm đối với nam) đều xin chuyển về những trường thuận lợi. Vì vậy, hằng năm đội ngũ GV ở các trường vùng sâu này không ổn định, nhiều GV chuyển đi, chuyển đến gây khó khăn trong việc phân công chuyên môn, tạo tâm lý không ổn định trong đội ngũ GV, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.  

Thầy Nguyễn Ngọc Thế, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui cho biết: “GV quen, hiểu được phong tục, tập quán, điều kiện học tập, tâm lý của học sinh DTTS, có được kinh nghiệm là điều kiện thuận lợi trong quá trình giảng dạy  học sinh DTTS. Tuy nhiên, nhà trường hiện có 77 cán bộ, giáo viên, nhân viên thì chỉ có 1/3 là người tại chỗ, còn lại là ở nơi khác chuyển đến. Hằng năm số giáo viên chuyển đến, chuyển đi rất nhiều gây xáo trộn chuyên môn, việc phân công giáo viên đứng lớp cũng gặp rất nhiều khó khăn vì trường có đến 6 điểm trường lẻ. Những GV mới ra trường hoặc ở trường khác chuyển về chưa có kinh nghiệm giảng dạy học sinh DTTS trong khi nhà trường có đến trên 96 % học sinh là người DTTS. Do vậy, chất lượng giảng dạy không được như mong muốn".       Những giáo viên khi phải luân chuyển đến các trường vùng 3 đều gặp khó khăn, xa gia đình, lạ lẫm với môi trường công tác... Mỗi người một hoàn cảnh, có người phải mang theo cả con nhỏ trong khi điều kiện ăn ở, sinh hoạt thiếu thốn, khó khăn; có người hằng ngày phải đi về chăm sóc cha mẹ, con cái với quãng đường đi về gần 100 km như thầy Hồ Kiều, cô Lê Thị Phước, cô Phan Thị Vân (Trường Tiểu học Cư Pui 2); thầy Nguyễn Thanh Vũ, cô Cao Thị Mỹ Dung (Trường Tiểu học Yang Mao)... Cô Lê Thị Ngọc Dần GV Trường Tiểu học Yang Hăn chuyển từ xã Hòa Sơn về Trường Tiểu học Yang Hăn (xã Cư Drăm) tâm sự: “Nhiều hôm đi dạy gặp mưa gió mệt lắm nhưng nếu ở lại không yên tâm vì con còn nhỏ chưa tự lo cho mình được, chồng thì bận công việc, biết ngày nào cũng đi dạy xa rất mệt đôi lúc nguy hiểm nhưng vẫn phải cố gắng thôi”...

Đủ về số lượng, nâng cao trình độ chuyên môn, ổn định được đội ngũ...là những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, đề ra những chính sách đãi ngộ, thu hút như cấp đất làm nhà, xây nhà công vụ, thăm hỏi, động viên tinh thần…, tạo động lực thu hút đội ngũ GV yên tâm và gắn bó lâu dài với địa phương để họ ổn định tư tưởng, cống hiến nhiều hơn, giúp cho các trường không biến động về nhân sự, ổn định về chuyên môn, giữ lại được những GV có nhiều kinh nghiệm giảng dạy học sinh DTTS; từ đó có phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục vùng đặc biệt khó khăn.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc