“Chở” chữ qua sông
Thôn 6, xã Bình Hòa (Krông Ana) thường gọi là thôn Ea Chai) cách trung tâm xã chỉ gần 1km theo đường chim bay, nhưng phải đi vòng vèo qua chiếc cầu phao với quãng đường dài hơn 4 km. Thế nhưng muốn vào được Ea Chai, phải đi trên con đường độc đạo do Nông trường Tháng 10 thi công cách đây hàng chục năm mà theo người dân thì con đường này đã thấp hơn so với trước gần 1m. Vì vậy, mùa nắng đã khổ, khi mưa xuống, Ea Chai như một ốc đảo giữa mênh mông nước, cuộc sống người dân địa phương gặp nhiều khó khăn.
Bất trắc những buổi đến trường
Thôn 6, xã Bình Hòa (Krông Ana) thường gọi là thôn Ea Chai) cách trung tâm xã chỉ gần 1km theo đường chim bay, nhưng phải đi vòng vèo qua chiếc cầu phao với quãng đường dài hơn 4 km. Thế nhưng muốn vào được Ea Chai, phải đi trên con đường độc đạo do Nông trường Tháng 10 thi công cách đây hàng chục năm mà theo người dân thì con đường này đã thấp hơn so với trước gần 1m. Vì vậy, mùa nắng đã khổ, khi mưa xuống, Ea Chai như một ốc đảo giữa mênh mông nước, cuộc sống người dân địa phương gặp nhiều khó khăn.
Chuyến đò đã giúp trẻ em ở thôn Ea Chai được đến trường nhanh chóng và an toàn. |
Cùng với công cuộc mưu sinh của người dân, hiện thôn Ea Chai có 51 học sinh đang theo học tại các trường THPT tại thị trấn Buôn Trấp và Trường THCS Lê Văn Tám tại trung tâm xã; 81 học sinh tiểu học và 20 học sinh mầm non học tại điểm trường Mầm non Sao Mai và điểm Trường Tiểu học Trần Quốc Toản trong thôn. Đi kèm với đó, để phục vụ cho hai điểm trường này là 12 cán bộ giáo viên mầm non và tiểu học ở phân hiệu chính phía trung tâm xã thường xuyên qua lại phân hiệu Ea Chai để thực hiện công tác giảng dạy. Từ trước đến nay, việc học tập của học sinh và công tác giảng dạy của giáo viên phụ thuộc hoàn toàn vào con đường độc đạo lầy lội ấy hoặc những chiếc ghe thuyền thô sơ của người dân trong vùng. Trưởng thôn 6 Phạm Xuân Phận kể lại, trước đây, khi đi trên con đường dẫn về trung tâm xã, người ta thường thấy từng đống xe đạp vứt chỏng chơ giữa bùn như đống phế liệu. Đó là những chiếc xe không phanh, không gác-đờ-bu của lũ trẻ đến trường nhưng không thể dắt qua những vũng bùn lớn, sâu hoắm vì sợ trễ nên vứt lại và đi bộ cho kịp giờ vào lớp. Thế nhưng, dẫu đã rất cố gắng, các cháu thường xuyên phải chậm chân mỗi giờ vào lớp, nên cũng chỉ “học mót” được chữ đực chữ cái, nhiều năm nay, thành tích học tập của các cháu ở Ea Chai vẫn còn ít ỏi lắm…
Người đi học đã khổ, người đi dạy cũng chẳng khá hơn. Trong tâm trí của cô Nguyễn Thị Xuân Lan, một giáo viên đã công tác tại điểm trường từ năm 1993, vẫn hằn sâu hình ảnh của một đồng nghiệp thiếu chút nữa đã mất mạng trên đường đến trường. Cô Lan nhớ lại, trưa hôm ấy, cô chở một đồng nghiệp đến trường sau một cơn mưa. Đường lầy lội, trơn như đổ mỡ nên đồng nghiệp của cô đành xin đi nhờ xe công nông của người dân đang chở hàng vào thôn. Đi được một đoạn, chiếc xe sa xuống một hố nước sâu nên lật nghiêng, khiến cô giáo ngã từ trên xe xuống hố nước, chỉ cách mép lốp xe vài phân. Nếu không có sự may mắn thì hôm ấy, cô giáo kia đã không còn được đến trường.
Đi bằng đường bộ quá khó khăn, nhiều học sinh cũng như giáo viên đã bất chấp nguy hiểm, chọn cách vượt sông để đến trường trên những chiếc ghe nhỏ. Lượng người qua sông quá đông, mà sức chở của ghe thì có hạn, hơn nữa, việc qua lại phụ thuộc hoàn toàn vào ghe, thuyền của bà con đi buôn bán qua sông và ngư dân đánh bắt cá trên đoạn sông này. Thế nên, đôi bờ sông chỉ cách nhau vài chục mét, nhưng để không muộn giờ vào lớp, nhiều em phải tranh thủ đi sớm. Sang bên kia sông, có khi đợi 2 tiếng đồng hồ mới đến giờ vào lớp, một số em nhỏ ngồi gục đầu ngủ gật, mặc cho muỗi bay như trấu. Cô Lan chia sẻ, vào giờ cao điểm, các cháu lớn nhanh chân giành hết chỗ, các cháu nhỏ dù có muộn cũng phải đợi chuyến sau. Những cũng không trách các cháu đó được, vì nếu đến muộn quá, không những bị quở trách mà nhiều khi còn bị dở bài học. Chính vì quá vất vả, bất tiện trong việc đi lại nên kết quả học tập của các em ở Ea Chai đò bao giờ cũng thấp hơn các em ở bên kia bờ, mặc dù các em rất hiếu học.
Chuyến đò “chở” chữ sang sông
Trước những khó khăn vất vả mà thầy – trò thôn Ea Chai phải đối mặt, qua kiến nghị của chính quyền địa phương và người dân, Phòng GD&ĐT huyện Krông Ana đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một tuyến đò quyết tâm “chở” chữ vượt sông Krông Ana. Phòng đã đứng ra hợp đồng với một chủ đò chuyên nghiệp, có thuyền máy lớn, có đầy đủ điều kiện chuyên chở khách đường thủy nội địa để thực hiện ý tưởng này. Cùng với 5 triệu đồng hỗ trợ ban đầu để chủ đò tu sửa lại phương tiện theo tiêu chuẩn quy định, mỗi tháng, Phòng GD&ĐT còn trả cho người lái đò 2 triệu đồng trong 10 tháng/năm và 40 triệu đồng kinh phí nhiên liệu trong suốt quá trình phục vụ. Như vậy, với 65 triệu đồng, Phòng GD&ĐT huyện đã giải quyết được việc dạy và học của 165 con người, bảo đảm an toàn và hiệu quả. Mỗi ngày, chuyến đò di chuyển “con thoi” qua lại giữa đôi bờ sông. Để tạo điều kiện tốt hơn, bến đò tại bờ sông phía trung tâm xã đã được chuyển đến bến cát xã Bình Hòa. Tuy thời gian di chuyển trên sông nhiều hơn nhưng khi xuống đò, quãng đường đến trung tâm xã rút ngắn còn gần 1 km. Trưởng thôn Phạm Xuân Phận khẳng định, chỉ sau một năm triển khai, chuyến đò đã góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng học sinh bỏ học ở thôn Ea Chai. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản Trần Thị Hoa vui vẻ cho hay, từ khi có chuyến đò này, việc đi lại đỡ vất vả nên thầy cô có nhiều thời gian đầu tư hơn cho công tác giảng dạy, chất lượng giáo dục đã được nâng lên đáng kể. Cô Hoa tiết lộ, chỉ trong năm học tới thôi, trường sẽ đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Đó là tín hiệu không thể vui hơn với những người làm giáo dục ở một vùng đất còn nhiều khó khăn.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc