Multimedia Đọc Báo in

Cô giáo trẻ tâm huyết với nghề

09:23, 08/05/2012

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sử - Giáo dục công dân Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 2004, cô Nguyễn Hồng Phương về công tác tại Trường THPT Lê Hữu Trác  (huyện Cư M’gar).

Vốn đam mê môn Lịch sử từ nhỏ, nay lại trở thành giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô Phương luôn nỗ lực học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với đồng nghiệp để có những bài giảng hay, phương pháp giảng dạy khoa học giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Cô Phương thổ lộ: “Lịch sử là môn học mang tính chất xã hội liên quan đến nhiều năm, tháng, sự kiện, nhân vật với những số liệu khô khan dễ khiến học trò cảm thấy nhàm chán. Chính vì vậy, tôi luôn gần gũi, chia sẻ với học trò để biết các em mong muốn gì, trong nhiều tiết dạy tôi thường xuyên liên hệ với thực tiễn cuộc sống tạo cho các em hứng thú tiếp thu kiến thức và nhớ được lâu hơn”. Tuy nhiên, qua thực tế giảng dạy cô nhận thấy, mặc dù đã suy nghĩ, cải tiến, thậm chí sử dụng phương tiện hiện đại (băng video, đèn chiếu, giáo án điện tử…), nhưng giờ học vẫn chủ yếu là hoạt động của giáo viên thuyết trình, giải thích, phân tích. Tình trạng học sinh nghe - chép vẫn phổ biến, chiếm 80% thời gian của tiết học. Vì vậy, nhìn chung chất lượng dạy học lịch sử không cao. Nhận thấy việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa người học là cần thiết, cô Phương đã trăn trở và dành nhiều thời gian, tâm huyết viết sáng kiến kinh nghiệm “Phát huy tính tích cực của học sinh trong dạy học phần lịch sử Việt Nam từ 1919 – 1945 ở trường THPT” và đã được Sở Giáo dục – Đào tạo công nhận trong cuộc thi “Sáng kiến kinh nghiệm về công tác quản lý, công tác giáo dục dạy và học năm học 2010-2011”.

Để phát huy tính tích cực của học sinh trong quá trình tiếp thu bài giảng, cô đã soạn thảo một hệ thống câu hỏi gợi mở kiến thức, các sự kiện lịch sử trong giai đoạn 1919 – 1945 từ tổng thể đến chi tiết theo từng bài học. Sau mỗi giờ học trên lớp, cô đưa ra những câu hỏi gợi mở cho bài học tiếp theo. Dựa trên cơ sở đó, mỗi học sinh sẽ tự đọc sách, tìm hiểu trước nội dung bài học, tìm ra câu trả lời để cùng tham gia thảo luận, trả lời câu hỏi trên lớp. Nhờ cách làm này, học sinh đã tiếp thu bài nhanh và nhớ lâu hơn. Điều này thể hiện qua chất lượng kiểm tra môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp năm học 2010 – 2011 ở THPT Lê Hữu Trác với 100% học sinh đạt từ điểm 5 trở lên.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc