Multimedia Đọc Báo in

Công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở huyện Krông Pak: Cần lắm sự hỗ trợ, chia sẻ

14:26, 05/05/2012

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; điều tra, phân loại và lập cơ sở dữ liệu trẻ khuyết tật… là những biện pháp được ngành Giáo dục huyện Krông Pak thực hiện nhằm huy động trẻ khuyết tật đi học. Nhưng quan trọng hơn chính là tình yêu thương, sự cảm thông chia sẻ của các thầy, cô giáo đã giúp trẻ vượt qua mặc cảm,, tự tin và thích đến trường.

Các trường cùng vào cuộc

Năm học 2011-2012, huyện Krông Pak có 487 trẻ khuyết tật tham gia học hòa nhập ở 71/98 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, chủ yếu là trẻ chậm phát triển trí tuệ (233 cháu), khó khăn về học (138 cháu), khuyết tật vận động (55 cháu); trong đó có 276 học sinh dân tộc thiểu số. Qua đó cho thấy, các trường đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động trẻ khuyết tật ra lớp. Bà Nguyễn Thị Hoa, chuyên viên phụ trách công tác giáo dục hòa nhập (Phòng GD-ĐT huyện Krông Pak) cho biết: “Giáo dục hòa nhập là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vì vậy vào đầu mỗi năm học đều được đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động của ngành và triển khai đến từng trường. Một thuận lợi đối với công tác này, khi huyện Krông Pak là một trong 5 địa phương được thụ hưởng Dự án Giáo dục hòa nhập, phát hiện sớm-can thiệp sớm của Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam”. Trong khuôn khổ của Dự án, mỗi trường đã được hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng phòng chức năng, mua sắm phương tiện và thiết bị chuyên dùng trong chuyên môn giáo dục hòa nhập. Đặc biệt, thông qua các lớp tập huấn đã cung cấp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên những kiến thức cơ bản về công tác giáo dục hòa nhập và can thiệp sớm, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi đối với trẻ khuyết tật. Cô Lưu Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ea Phê, huyện Krông Pak) nói: “Không chỉ tuyển sinh trẻ khuyết tật trên địa bàn, nhà  trường còn tiếp nhận học sinh khuyết tật của các xã lân cận như Hòa An, Ea Kuăng, Krông Buk. Dù việc chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật rất vất vả nhưng tình thương yêu các cháu đã giúp giáo viên vượt qua. Trong số 11 học sinh khuyết tật đang theo học có 3 em khuyết tật nặng, cô giáo phải phục vụ hoàn toàn”.

Giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản tận tình hướng dẫn học sinh khuyết tật tham gia các hoạt động ở lớp.
Giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản tận tình hướng dẫn học sinh khuyết tật tham gia các hoạt động ở lớp.

Tạo môi trường thân thiện cho trẻ

Giờ chào cờ kết thúc, cũng là lúc cô giáo chủ nhiệm lớp 4B Nguyễn Thị Ái Thùy, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ea Phê, huyện Krông  Pak) tất bật với việc lau rửa, dọn vệ sinh cho em T. Do không làm chủ được bản thân và không có ai phụ giúp nên T đã đại tiện ngay tại chỗ học. Đây không phải lần đầu tiên, từ đầu năm học 2011-2012 đến nay cô giáo chủ nhiệm phải giúp T. giải quyết không dưới 10 lần tình huống “dở khóc dở cười” này. T. bị khuyết tật vận động nặng, nhưng học giỏi các môn, vì vậy  thầy, cô giáo và các bạn trong lớp rất thương, sẵn sàng giúp đỡ T. trong sinh hoạt cũng như học tập. “Đôi mắt mở to như nuốt từng lời của T. mỗi khi cô giáo giảng bài và nắn nót viết từng con chữ một cách khó nhọc  đã thôi thúc tôi quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ em nhiều hơn”, cô Nguyễn Thị Ái Thùy xúc động nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, khó khăn lớn nhất trong công tác giáo dục hòa nhập là việc xóa định kiến của phụ huynh và tâm lý mặc cảm của trẻ khuyết tật. Trước đây nhiều trường khi nhận học sinh khuyết tật vào học đã gặp không ít phản đối từ phía phụ huynh, thậm chí nhiều phụ huynh lo lắng trẻ khuyết tật sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập, sinh hoạt của con mình. Tháo gỡ khó khăn trên, ngành Giáo dục huyện Krông Pak đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các bậc phụ huynh có cái nhìn nhân ái, thông cảm, chia sẻ, bớt kỳ thị. Bên cạnh đó, thông qua các đợt tập huấn của Sở GD-ĐT, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh, đặc biệt là sự hỗ trợ  đắc lực của nhóm giáo viên hỗ trợ chuyên môn đã giúp đội ngũ giáo viên nắm vững phương pháp học tập, sinh hoạt của học sinh khuyết tật để giúp các em hòa nhập với môi trường học tập mới. Cô Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu Trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (xã Ea Kuăng, huyện Krông Pak) chia sẻ: “Nhận học sinh khuyết tật vào học là chúng tôi đã dành cho các em tất cả tình thương. Tôi luôn nhắc nhở, động viên các cô giáo trong trường phải yêu thương các em nhiều hơn; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh khuyết tật được học hòa nhập, đặc biệt đối với những em có hoàn cảnh khó khăn”. Cùng với đó, để kịp thời động viên học sinh khuyết tật gắn bó với trường, lớp, vào ngày khai giảng năm học mới, các ngày lễ lớn trong năm, các trường đã phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội khuyến học xã, phường tạo mọi điều kiện như tặng sách giáo khoa, học bổng, đồng phục... cho các em. Tuy mỗi suất học bổng, quà chỉ khoảng 100.000-150.000 đồng nhưng đó là tình yêu thương, trách nhiệm. Em Nguyễn Văn Thông, lớp 4B, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ea Phê, huyện Krông Pak) nói: “Em rất vui vì liên tục 4 năm được học chung với nhiều bạn bè dưới mái trường mới và được cô giáo quan tâm, yêu thương nên không còn cảm thấy mặc cảm nữa. Em cố gắng học thật giỏi trở thành bác sĩ để có thể chữa bệnh cho mình”.

Nguyên Hoa


 


 

Cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, ngành Giáo dục huyện Krông Pak đang đối mặt với một thực tế, càng lên lớp cao, tỷ lệ huy động trẻ khuyết tật ra hòa nhập càng thấp. Cụ thể, trong tổng số 487 trẻ khuyết tật tham gia học hòa nhập tại các trường,  bậc mầm non có 22 em, tiểu học 417 em và trung học cơ sở  là 48 em. Nguyên nhân do nhận thức của phụ huynh và chính học sinh khuyết tật. Phụ huynh nghĩ rằng, con mình chỉ cần biết đọc, viết là đủ, học thêm nữa cũng chẳng làm gì, còn học sinh thì mặc cảm, xấu hổ với bạn bè. Do đó, ngoài sự cảm thông, chia sẻ của nhà trường, xã hội, phụ huynh có con em đang học cần vượt qua rào cản tâm lý và các em kém may mắn cần xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.

 


Ý kiến bạn đọc