Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất: Rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng
Cùng với 17 tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2010, ngành Giáo dục Dak Lak được Dự án giáo dục trung học cơ sở (THCS) vùng khó khăn nhất tăng cường cơ sở vật chất và hỗ trợ lương thực trong các tháng giáp hạt cho học sinh ở bán trú. Qua gần 3 năm triển khai, Dự án đã giảm đáng kể khó khăn về thiếu phòng học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, giáo viên có chỗ học tập và sinh hoạt.
Tăng cường điều kiện dạy học
Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt ngày 1-10-2007; triển khai tại 103 huyện của 17 tỉnh thuộc những vùng khó khăn nhất hiện nay như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Dak Lak… trong 6 năm (từ năm 2008 đến 2014) với tổng kinh phí khoảng 50 triệu USD. Trong đó tỉnh Dak Lak được Bộ GD-ĐT phê duyệt 78,8 tỷ đồng (vốn vay của ADB là 64,3 tỷ đồng, vốn Chính phủ 14,5 tỷ đồng) để tăng cường cơ sở vật chất và hỗ trợ lương thực cho học sinh bán trú của 19 trường THCS khó khăn tại 7 huyện. Dự án gồm nhiều nội dung, trong đó trọng tâm là tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh ở các địa phương khó khăn yên tâm đến trường. Theo kế hoạch được phê duyệt, Dự án sẽ xây dựng cho Dak Lak 89 phòng học, 4 phòng thư viện, 12 phòng thí nghiệm, 139 phòng nội trú học sinh, 59 phòng công vụ giáo viên, 19 nhà bếp và 33 công trình vệ sinh cho các trường, chia thành 3 đợt thực hiện. Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Đến thời điểm này, về cơ bản các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo nên những đổi thay đáng kể cho diện mạo trường, lớp ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Không chỉ vậy, các trường còn được trang bị đầy đủ, đồng bộ các trang thiết bị như máy chiếu, máy tính xách tay, loa di động, tivi, máy chụp ảnh, máy quay phim, máy photo… đáp ứng nhu cầu đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy. Quan trọng hơn giúp hoàn thiện chỉ tiêu phổ cập giáo dục, từng bước giảm bớt sự chênh lệch về giáo dục giữa các vùng miền”.
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Bội Châu (xã Ea Trang, huyện M’Drak) yên tâm học tập. |
Buôn Triết (huyện Lak) là xã thuần nông, đất đai màu mỡ, nhưng do hệ thống thủy lợi không hoàn chỉnh, giao thông khó khăn, trình độ dân trí thấp, thiếu vốn sản xuất nên đời sống của nhân dân rất khó khăn, nhất là 30% số hộ dân tộc thiểu số tại chỗ. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp còn nhiều hạn chế nên đã ảnh đến chất lượng giáo dục và duy trì sĩ số; cá biệt có những năm học, tỷ lệ học sinh THCS bỏ học hơn 5%. Vấn đề này đã được tháo gỡ khi Trường THCS Lê Quý Đôn trên địa bàn xã được Bộ GD-ĐT đầu tư hơn 3,6 tỷ đồng xây dựng 4 phòng học kiên cố, 1 phòng thí nghiệm, 1 phòng thư viện, 3 phòng công vụ cho giáo viên, 2 phòng ở cho học sinh, 1 nhà bếp và mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy - học tập; nhiều học sinh khó khăn ở bán trú còn được hỗ trợ lương thực trong những tháng giáp hạt với định mức 10kg gạo/học sinh/ tháng. Thầy Tiêu Viết Vận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đã được hạn chế, nếu như năm học 2009-2010 tỷ lệ này là 5,1% thì nay năm học 2010-2011 giảm còn 1,8%. Đặc biệt, tại thời điểm này - tháng cao điểm của tình trạng học sinh bỏ học do thiếu lương thực hoặc theo cha mẹ đi làm rẫy, toàn trường chỉ có 5 học sinh nghỉ học (chiếm 1,38%).
Giúp giáo viên, học sinh yên tâm đến lớp
Năm học 2010-2011 là dấu mốc quan trọng đối với thầy, trò Trường THCS Nguyễn Du (xã Ea Toh, huyện Krông Năng), Trường được Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn đầu tư kinh phí xây dựng 6 phòng học kiên cố, 1 phòng thực hành bộ môn, 14 phòng nội trú cho học sinh, 6 phòng công vụ cho giáo viên và nhà bếp. Không chỉ vậy, 112 học sinh nghèo ở bán trú còn được hỗ trợ lương thực trong 3 tháng giáp hạt (2,3 và 4) với định mức 10 kg/học sinh/tháng. Em Trần Thị Diễm Ngọc, lớp 6A1a cho biết: “Nhờ có phòng nội trú, em và nhiều bạn ở các thôn Tân Bằng, Tân Đông, Tân Tiến (cách trường 7-10 km) không phải đi về nhà mỗi ngày 4 lượt hoặc giở cơm theo ăn và ngồi trong lớp chờ đến giờ học buổi chiều”.
Cuối năm 2006, thầy Nguyễn Minh Hải, giáo viên Tin học về nhận công tác tại Trường, được bố trí ở phòng tập thể xây dựng trước năm 2000 đã xuống cấp nghiêm trọng. "Chúng tôi phải tự làm nhà bếp để nấu ăn, không có nhà vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt, thậm chí phải vào nhà dân xin dây, cây về chằng, chống phòng ở trong những tháng mùa mưa, nhiều thầy cô giáo độc thân còn phải xin hoặc thuê nhà dân để ở”, thầy Hải chia sẻ. Đó là chuyện của hơn một năm về trước, hiện nay nhờ sự đầu tư của Dự án giáo dục THCS, nhiều thầy cô giáo ở Trường THCS Nguyễn Du đã có phòng nội trú khang trang, sạch đẹp với công trình vệ sinh khép kín, được trang bị đầy đủ điện thắp sáng, nước sinh hoạt, quạt, tủ đựng quần áo. Có thể nói nhà công vụ được đầu tư xây dựng bài bản, đủ công trình phụ đã giúp giáo viên yên tâm công tác, tiếp tục bám trụ, “thắp sáng” vùng cao.
Sở GD-ĐT cho biết, từ năm 2011 đến 2014 toàn tỉnh có 2.245 học sinh học bán trú tại các trường thuộc Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn được hỗ trợ gạo trong 3 tháng giáp hạt 2,3 và 4 với tổng kinh phí hơn 1,14 tỷ đồng. Cụ thể, năm học 2010-2011 Dự án hỗ trợ 7.650 kg gạo cho 255 học sinh nghèo ở bán trú tại 6 trường THCS có phòng nội trú xây dựng mới, với kinh phí 130 triệu đồng; năm học 2011-2012, có 840 học sinh nghèo ở bán trú tại 15 trường THCS được hỗ trợ 25.200 kg gạo (gần 416 triệu đồng); năm học 2012-2013 và 2013-2014 dự kiến 1.1150 học sinh được hỗ trợ 34.500 kg gạo (600 triệu đồng). Nhờ Chương trình thí điểm hỗ trợ lương thực cho học sinh ở bán trú tại các trường thuộc Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất, góp phần giảm tỷ lệ bỏ học do thiếu lương thực trong các tháng giáp hạt.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc