Học sinh “sợ” thi môn Ngoại ngữ !
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, toàn tỉnh có 16.367/23.948 thí sinh (TS) tự nguyện chọn môn thi Vật lý thay thế môn Ngoại ngữ. Theo Quy chế thi của Bộ GD-ĐT, những TS không theo học hết chương trình ngoại ngữ hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy - học được thi thay thế bằng môn Vật lý.
Do đó, việc TS một tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn trong công tác dạy-học Ngoại ngữ lựa chọn môn thi thay thế nhằm bảo đảm kết quả thi tốt nghiệp là một sự lựa chọn đúng đắn hay nói đúng hơn là sự lựa chọn an toàn. Trước đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, toàn tỉnh có 1.708 TS tự nguyện đăng ký thi môn Lịch sử thay thế môn Ngoại ngữ.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột) tập trung ôn tập môn Vật lý chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. |
Theo một số cán bộ quản lý ngành Giáo dục, Ngoại ngữ là môn đặc thù, muốn học, thi đạt kết quả cao đòi hỏi phải có năng khiếu. Mặt khác, hiện nay TS đang có xu hướng chọn nhóm ngành kinh tế khi đăng ký dự thi đại học, cao đẳng. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong tổng số 49.879 bộ hồ sơ (HS) đăng ký dự thi ở 237 trường đại học, cao đẳng, học viện trong cả nước năm 2012, có 23.871 bộ hồ sơ đăng ký dự thi khối A gồm 3 môn Toán, Lý, Hóa. Do đó, việc 70% TS chọn môn thi Vật lý thay thế môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, không chỉ các trường vùng sâu, vùng xa mà TS các trường tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột và một số trường có điều kiện dạy – học ngoại ngữ vẫn lựa chọn môn thi Vật lý. Theo Quy chế thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT, nội dung thi sẽ nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, vậy sao TS lại “sợ” môn thi Ngoại ngữ? Thực trạng này kéo dài từ nhiều năm qua và chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Xin chưa bàn về chương trình, chất lượng dạy-học của môn Ngoại ngữ, chỉ biết rằng Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2020” đã đề ra mục tiêu: đến năm 2015 đạt một bước tiến về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020 đa số sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương… với kinh phí thực hiện hơn 268 tỷ đồng.
Do đó hiện tại nhiều học sinh thiếu tự tin vào năng lực học Ngoại ngữ là một thực trạng đáng quan tâm.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc