Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam khu vực Tây Nguyên

18:12, 20/06/2012

Ngày 20-6, tại TP. Buôn Ma Thuột, Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam” khu vực Tây Nguyên. Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Giáo chức Việt Nam; 64 đại biểu thuộc Hội Cựu giáo chức các tỉnh Tây Nguyên và Trường Đại học Tây Nguyên.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận của những nhà giáo lão thành từng làm công tác quản lý giáo dục và trực tiếp giảng dạy. Các ý kiến đều nhất trí cao về tính cần thiết, nội dung, những điểm mới, mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Song các đại biểu cũng rất trăn trở, bức xúc trước hiện trạng của giáo dục Việt Nam hiện nay: Hệ thống giáo dục quốc dân còn nhiều bất cập về quy mô và cơ cấu, quản lý chồng chéo; trình độ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chưa theo kịp yêu cầu; cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, chế độ chính sách chưa thu hút được người giỏi, tâm huyết với ngành; nội dung chương trình sách giáo khoa dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn nặng nề, bất cập; nội dung, phương pháp giảng dạy ở giáo dục chuyên nghiệp, đại học chưa đúng phương châm: cơ bản, hiện đại và sát với thực tiễn; tình trạng liên thông, liên kết tràn lan, biến các trung tâm GDTX, trường trung cấp thành nơi đào tạo đại học; vấn nạn dạy thêm học thêm tràn lan… Đặc biệt, nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục-đào tạo vùng Tây Nguyên đã được các đại biểu “mổ xẻ”: tình trạng học sinh bỏ học do điều kiện kinh tế khó khăn, nhà cách xa trường; nhiều xã chưa có trường mầm non, phòng học tạm bợ, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ  ra lớp thấp…

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo

Từ thực tiễn khó khăn của giáo dục vùng Tây Nguyên, để đạt được mục tiêu Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020, các đại biểu đề xuất: cần đầu tư toàn diện, đồng bộ, đặc biệt gấp 3-4 lần so với đầu tư cho vùng đồng bằng; nâng cao năng lực đội ngũ quản lý, giáo viên; cần chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong giáo dục-đào tạo; tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên là con em dân tộc thiểu số; nghiên cứu, khảo sát thực trạng trí thức là người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên trong 10 năm trở lại đây để có cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới; tăng cường công tác quản lý, sử dụng, bố trí việc làm cho học sinh, sinh viên là người DTTS sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp…

Nguyên Hoa
 


Ý kiến bạn đọc