Multimedia Đọc Báo in

Chăm lo phát triển giáo dục mầm non, tiểu học tại vùng dân tộc thiểu số

22:37, 06/07/2012

Không chỉ thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh, những năm gần đây ngành Giáo dục còn triển khai nhiều biện pháp nhằm huy động tối đa học sinh mầm non và tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ra lớp, duy trì sĩ số, hạn chế tình trạng bỏ học.


Giáo viênTrường Tiểu học Lê Lợi (xã Ea Na, huyện Krông Ana) hướng dẫn học sinh dân tộc Êđê học tiếng mẹ đẻ.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ea Na, huyện Krông Ana) hướng dẫn học sinh dân tộc Êđê học tiếng mẹ đẻ.

Đến giữa năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 754 trường mầm non và tiểu học tại vùng đồng bào DTTS, với 253.616 học sinh (HS), trong đó 93.629 học sinh người DTTS. Không chỉ mở rộng quy mô trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của HS, ngành Giáo dục còn triển khai nhiều biện pháp để duy trì và nâng cao chất lượng dạy-học tại vùng đồng bào DTTS. Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, rào cản lớn nhất trong học tập của học sinh DTTS là khả năng biết, hiểu và nói tiếng Việt. Chính vì vậy, Sở chỉ đạo các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất tổ chức dạy 2 buổi/ngày tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS từ 300 tiết lên 500 tiết; khuyến khích giáo viên người DTTS tăng cường giao tiếp với học sinh bằng tiếng Việt. Đặc biệt, từ năm học 2010-2011, Sở GD-ĐT đã triển khai dạy thực nghiệm đề tài “Bài học bổ trợ môn tiếng Việt cho học sinh DTTS lớp 1,2,3” tại một số trường nhằm tăng cường vốn tiếng Việt cần thiết cho HS. Ngành Giáo dục cũng đã biên soạn bộ sách giáo khoa môn tiếng Êđê bậc tiểu học gồm 3 quyển 1, 2 và 3 (tương ứng với lớp 3, 4 và 5) theo hướng hiện đại, bám sát khả năng tư duy và tiếp thu của HS, giảm tải chương trình (từ 4 tiết/tuần xuống còn 2 tiết/tuần theo quy định của Bộ GD-ĐT). Có thể khẳng định, cùng với đội ngũ giáo viên tâm huyết, có phương pháp sư phạm thì sách giáo khoa chuẩn là phương tiện giúp học sinh DTTS học tiếng mẹ đẻ tốt hơn. Nhờ đó, trong những năm học gần đây tỷ lệ huy động học sinh DTTS ra lớp đạt 92,51%, tỷ lệ trẻ 6 tuổi ra lớp đạt 96,1%; có 13.408 học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,3%, trong đó có 12.850 em học tiếp bậc THCS.

Cũng như nhiều trường tại vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, việc huy động học sinh ra lớp ở Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (xã Dak Phơi, huyện Lak) những năm trước đây rất khó khăn do phụ huynh lo làm kinh tế, “khoán trắng” việc học của con cho nhà trường. Thậm chí có khi giáo viên và cán bộ thôn, buôn đến nhà vận động học sinh đi học đã bị phụ huynh thẳng thừng từ chối vì cháu còn phải đi rẫy. Thầy Phạm Văn Yên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay phụ huynh đã cùng với nhà trường chăm lo việc học cho con. Không chỉ mua sắm quần áo, cặp sách, phụ huynh còn tự nguyện đóng góp quỹ Hội Ban đại diện cha mẹ học sinh để kịp thời khen thưởng các cháu có thành tích trong học tập; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mua nước uống… Sự quan tâm của phụ huynh còn được thể hiện khi cho con đi học đúng độ tuổi thay vì đi học muộn như trước đây. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường triển khai dạy học 7 buổi/tuần và tổ chức các hoạt động ngoại khóa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2011-2012, Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm có 793 học sinh, trong đó học sinh DTTS chiếm trên 99%, gồm các dân tộc M’nông, Êđê, Tày, Nùng và Mông. Kết thúc năm học, toàn trường có 109 học sinh hoàn thành chương trình tiểu học (đạt 100%); tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp đạt 95,33%.

Theo khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đầu tháng 6-2012, toàn tỉnh vẫn còn 218 thôn, buôn (chiếm 12,67%) và 10 xã chưa có trường mầm non độc lập. Trong tổng số 9.736 lớp học của 2 bậc học còn 5.057 phòng học bán kiên cố, riêng bậc học mầm non vẫn còn 287 phòng học mượn tạm. Về đội ngũ giáo viên, vẫn còn thiếu 180 định biên theo nhu cầu. Bên cạnh đó, số lượng học sinh DTTS bỏ học qua các năm vẫn còn nhiều, trung bình mỗi năm học có khoảng trên dưới 200 em, cá biệt năm học 2010-2011 có 668 em bỏ học. Điều đáng quan ngại nhất HS bỏ học chủ yếu rơi vào các lớp cuối cấp, nguyên nhân do học lực yếu, kinh tế gia đình khó khăn, phụ huynh thiếu quan tâm, chăm sóc. Bà Bùi Thị Kim Nga, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và tiểu học tại vùng đồng bào DTTS, cùng với nỗ lực của ngành Giáo dục, cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành để tháo gỡ những khó khăn về cơ sở vật chất. Cụ thể phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa phòng học bán kiên cố, thay thế các phòng học tạm, xây dựng mới các phòng chức năng, nhà công vụ giáo viên, công trình vệ sinh, nước sạch; biên chế đủ số lượng giáo viên, nhất là giáo viên là người dân tộc bản địa; cần duy trì chế độ thu hút cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo để họ yên tâm công tác lâu dài tại các xã đặc biệt khó khăn. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động để cộng đồng, gia đình nâng cao trách nhiệm trong việc khuyến khích, động viên con em đi học chuyên cần, không bỏ học giữa chừng. Đặc biệt tiếp tục hỗ trợ đồng bào DTTS bảo đảm cuộc sống để tạo điều kiện cho con em tới trường… Trên địa bàn tỉnh hiện có Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana đã mạnh dạn tham mưu cho UBND huyện cấp thêm kinh phí cho các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời cấp thêm 5 triệu đồng/lớp/năm đối với các trường  mở lớp dạy tiếng Êđê để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học nhằm thu hút HS ham học, tiếp cận với văn hóa của dân tộc dễ dàng hơn. Về phía trách nhiệm của ngành Giáo dục huyện thường xuyên kiểm tra, xây dựng hệ thống hồ sơ theo dõi, quản lý dạy học, đưa nhiệm vụ dạy tiếng Êđê thành một tiêu chí đánh giá thi đua của cá nhân và tập thể nhờ đó đã khuyến khích các đơn vị tích cực hơn trong việc triển khai dạy tiếng Êđê, góp phần duy trì sĩ số lớp học và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh DTTS. Thiết nghĩ đây là cách làm hay cần được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.