Multimedia Đọc Báo in

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

09:50, 30/07/2012

Mỗi mùa thi đại học, cao đẳng đi qua, nhật ký chương trình Tiếp sức mùa thi lại dày thêm những câu chuyện ấm áp tình người. Những việc làm nghĩa tình, những hành động nhân ái tuy nhỏ nhưng có sức lan tỏa, kết nối hàng trăm, hàng nghìn con tim đồng điệu cùng hướng về các bạn trẻ đang nỗ lực vào đời bằng trí tuệ của mình.

Dầm mưa san lấp “ổ voi”

Những ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, trời mưa liên tục, khiến không ít thí sinh và phụ huynh đưa con đi thi vào Trường Đại học Tây Nguyên khá vất vả. Ai cũng hối hả để đến điểm thi đúng giờ quy định, trong khi đó tại điểm thi Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak, 8 sinh viên tình nguyện dầm mưa khuân đất, đá để san lấp “ổ voi” trước cổng trường, đoạn tiếp giáp với đường Lê Duẩn gây ngạc nhiên đối với người qua đường. Từ chỗ tò mò, hiếu kỳ khi hiểu ra mục đích tốt đẹp của việc làm này, nhiều người dân gần đó đã ủng hộ cát, sỏi, thậm chí một vài người đi đường dừng xe máy “xắn quần” cùng làm với sinh viên tình nguyện. Bạn Phan Văn Huy, lớp Công nghệ Điện tử K 2010, thành viên Đội tiếp sức mùa thi tại điểm thi Trường Cao đẳng Sư phạm nói: “Trong buổi sáng làm thủ tục dự thi của đợt 2 (8-7) có 4 thí sinh và người nhà bị tai nạn vì “ổ voi” này. May mắn cả 4 trường hợp chỉ bị xây xước nhẹ hoặc ướt quần áo. Sau khi đề nghị đơn vị thi công khắc phục sự cố nhưng không được giải quyết, các thành viên trong đội quyết định san lấp “ổ voi”, hy vọng sẽ không có thí sinh bị ngã, ảnh hưởng đến việc đi thi”.

Sinh viên tình nguyện Nguyễn Tín Thuật (bìa phải) cùng các bạn  luôn  sẵn sàng hỗ trợ  thí sinh  kịp thời
Sinh viên tình nguyện Nguyễn Tín Thuật (bìa phải) cùng các bạn luôn sẵn sàng hỗ trợ thí sinh kịp thời.

 Cõng thí sinh đến phòng thi

Hình ảnh nữ sinh viên tình nguyện Nguyễn Thị Nhung, khoa Sư phạm Trường Đại học Tây Nguyên cõng thí sinh Tạ Thị Hồng đến phòng thi làm nhiều người xúc động. Hồng bị tai nạn gãy xương mắt cá chân trước kỳ thi khoảng 2 tuần, không thể đi lại được nên trong 2 đợt thi vào Trường Đại học Tây Nguyên đều nhờ anh trai (Tạ Văn Lâm) chở đi. Ở đợt thi đầu, khi dự thi vào ngành Kinh tế Nông lâm (khối A) tại điểm thi Trường THPT Hồng Đức, phòng thi gần cổng trường nên anh trai chở Hồng đến tận nơi. Đợt thi thứ 2, Hồng dự thi ngành Quản lý Tài nguyên Môi trường (khối B) tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An. Sáng 7-8, khi anh trai vừa chở đến trường làm thủ tục thi, biết Hồng bị đau chân nên sinh viên tình nguyện đề nghị được cõng lên phòng thi (ở tầng 2). Hồng cho biết: “Ban đầu việc cõng do sinh viên nam đảm trách, nhưng thấy em có vẻ ngại nên chị Nhung xung phong cõng em. Chị nhẹ cân và thấp hơn em nên việc cõng rất khó nhọc, một vài thí sinh nhìn thấy đã trêu đùa “sinh viên tình nguyện tha thí sinh kìa!”. Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên lưng áo chị, em ái ngại nói hay chỉ dìu một bên để em chống nạng lên cầu thang, nhưng chị không đồng ý vì sợ chẳng may em bị ngã sẽ ảnh hưởng đến đợt thi. Đồng thời chị lưu số điện thoại của mình vào máy điện thoại em và dặn khi nào làm xong thủ tục dự thi nhá máy chị lên cõng xuống”. Đều đặn mỗi buổi thi 2 lượt, tình nguyện viên Nguyễn Thị Nhung cõng thí sinh Hồng từ ngoài xe đến phòng thi và ngược lại. Khi được hỏi về việc làm này Nhung khiêm tốn nói: “Được  tham gia Chương trình tiếp sức mùa thi là niềm tự hào của sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, do đó ai cũng sẽ làm như em thôi. Nhưng chắc chắn đây sẽ là kỷ niệm đẹp của thời sinh viên”. Cũng tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An trong đợt thi 2 có thí sinh Hoàng Quốc Khánh (nhà ở khối 9, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) dự thi vào ngành Tài nguyên Môi trường bị gãy chân đã được sinh viên tình nguyện tận tình hỗ trợ, giúp em yên tâm làm bài thi.

 Cấp cứu thí sinh kịp thời

      Sinh viên Nguyễn Thị Nhung cõng  thí sinh  Tạ Thị Hồng  bị gãy xương mắt cá chân   từ phòng thi về.
Sinh viên Nguyễn Thị Nhung cõng thí sinh Tạ Thị Hồng bị gãy xương mắt cá chân từ phòng thi về.

Sáng 4-7, khi đang “trực chiến” tại điểm thi Trường THCS Trần Hưng Đạo, tình nguyện viên Nguyễn Tín Thuật, sinh viên Y khoa năm thứ 3, thành viên Đội y tế nhận được thông tin tại điểm thi Trường Đại học Tây Nguyên có 1 thí sinh bị mệt sau khi làm bài môn Toán. Đó là Nguyễn Thị Thùy, sinh năm 1992, ở huyện Krông Năng, dự thi vào ngành Công nghệ sau thu hoạch. Thông tin trên nhanh chóng được chia sẻ tới 7 thành viên trong đội cũng đang “trực chiến” tại các điểm thi và cả đội đã có mặt kịp thời để sơ cấp cứu thí sinh. “Với các triệu chứng lâm sàng, chúng tôi nhận định có khả năng Thùy bị hạ canxi, ngất xỉu do quá căng thẳng nên quyết định cho uống canxi và nước đường. Tuy nhiên, sau hơn 10 phút theo dõi, thấy những triệu chứng này không giảm nên quyết định gọi taxi chở Thùy đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Dẫu rất cố gắng nhưng Thùy đã không thể thi các môn thi còn lại, thật tiếc, sinh viên Thuật chia sẻ. Cũng tại điểm thi Trường Đại học Tây Nguyên có một thí sinh bị ngất xỉu do quá căng thẳng, nhờ được sự chăm sóc tận tình của Đội y tế nên đã hồi phục và hoàn thành các môn thi tiếp theo.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.