Multimedia Đọc Báo in

Khoảng lặng mùa thi

05:05, 13/07/2012

Hai đợt thi của kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm nay đã kết thúc với nhiều câu chuyện vui, cảm động của tình người, của nghị lực vươn lên. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều khiến chúng ta phải suy nghĩ, đó là: nhiều em đứng trước cánh cửa vào đời, trước cổng trường đại học nhưng suy nghĩ của các em quá đơn giản.

Nhiều sĩ tử coi kỳ thi đại học là một chuyến “du lịch chính đáng” (ảnh minh họa)
Nhiều sĩ tử coi kỳ thi đại học là một chuyến “du lịch chính đáng” (ảnh minh họa)

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người không khỏi cảm động với nghị lực mạnh mẽ của những thí sinh con nhà nghèo, hoặc những em mang trong mình nỗi đau, mất mát nhưng đã vượt qua hoàn cảnh để đến với trường thi. Đó là cậu học trò nghèo Ngô Văn Thuận (quê Yên Thành - Nghệ An) đạp xe 300 km ra Hà Nội đi thi mà trong túi chỉ có 30.000 đồng; là em Lê Thị Duyên (Krông Nô - Dak Nông) vừa trải qua ca phẫu thuật u não, vẫn nén cơn đau đi thi với ước mơ trở thành bác sĩ; bạn Hồ Văn Lai (Gio Linh - Quảng Trị) đến trường thi trên xe lăn vì bị thương tật do tai nạn bom mìn từ nhỏ; hay cô gái nghèo Mai Thị Ngọc Sinh (Bắc Bình - Bình Thuận) vừa học vừa phải làm thuê ở xưởng gốm để giúp gia đình và có tiền đi thi... Với các em, đường đến với cổng trường đại học thật quá khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, bằng niềm tin, nghị lực mạnh mẽ và năng lực của bản thân, các em vẫn đi thi với mong muốn đổi đời, vượt qua cái nghèo cũng như thiệt thòi của bản thân để trở thành những kỹ sư, giáo viên, bác sĩ...

Bên cạnh những sĩ tử "lều chõng đi thi" với quyết tâm đỗ đạt thì nhiều em là con nhà khá giả, con nhà giàu lại chưa có định hướng rõ ràng, coi đi thi đại học là dịp được "đi du lịch chính đáng". Nghe những câu chuyện như: một cậu tú đòi cha mẹ cho gần chục triệu đồng đi thi, một cô tú đi thi mà nằng nặc đòi mẹ cho ở khách sạn, ăn cơm nhà hàng để vào phòng thi ngồi vẽ chim vẽ mây cho vui; hay một thí sinh đi thi để "cho biết thủ đô"... thì không thể không cảm thấy đắng lòng.

Sau buổi thi cuối cùng đợt một, tôi gặp hai nữ thí sinh tên Tuyết và Phượng ở huyện Chư Sê - Gia Lai, dự thi ngành Kinh tế - Trường Đại học Tây Nguyên khi các bạn đang cười nói vui vẻ bước ra khỏi phòng thi. Lại bắt chuyện mới biết: hai em thì một là học sinh tiên tiến, một là học sinh trung bình trường huyện, đi thi chẳng hy vọng. Hỏi về kết quả làm bài, Tuyết tỉnh bơ: "Còn đợt thi đại học thứ hai và đợt thi vào cao đẳng; không đỗ thì chọn trường trung cấp nào đó học, chứ lo gì anh…". Nói xong cả hai vội vàng về thu xếp đồ đạc "đi chơi Đà Lạt mấy ngày” ! Tôi còn nhớ câu chuyện khi còn là sinh viên, một người hàng xóm nhờ đưa đón con trai tên là T. đi thi Trường Đại học Y khoa Huế. T. là con út, mấy anh chị đều không ai vào nổi đại học nên cả gia đình rất hy vọng, đặt trọn niềm tin vào T. Ngay từ khi vào học lớp 10, gia đình T. đã thu xếp để cậu được về học THPT ở TP. Vinh. Nhưng do ham chơi nên T. học chỉ mức trung bình. Kỳ thi đại học, cứ sau mỗi buổi thi, mẹ cậu ở quê đều gọi điện hỏi thăm con và nói với tôi: "Nhờ chú động viên T. làm bài, cả nhà chỉ trông vào mình nó". Thi xong, T. thông báo có môn gần như để giấy trắng. Tôi định mua vé xe cho T. về quê, nhưng cậu bảo ở lại đi chơi. Tôi miễn cưỡng chở cậu đi chơi nhưng trong lòng cảm thấy không thoải mái vì không hiểu T. có biết rằng để có tiền cho em đi thi, ở quê, mẹ phải bán hai tạ lúa và lứa gà thịt gần trăm con...

Nhìn vào số lượng hàng nghìn bộ hồ sơ ảo mỗi năm, nhìn những em như Tuyết, Phượng, T. thì không biết xã hội đã bị lãng phí bao nhiêu tiền của. Để hạn chế tình trạng trên, các em cần chọn đúng trường, ngành phù hợp với năng lực của mình, tránh kiểu đi thi theo phong trào. Đồng thời, rất cần vai trò của công tác hướng nghiệp. Đại học không phải là con đường duy nhất, điều quan trọng là các em chọn đúng ngành nghề, hợp với khả năng của mình để thi đỗ và ra đời giúp ích cho xã hội. Mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng diễn ra là dịp cả xã hội quan tâm. Bởi vậy, các em nên ý thức được giá trị của mình, biết quý trọng mồ hôi, công sức của gia đình, thầy cô đã dành cho mình…

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.