Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên tình nguyện và lớp học xóa mù ở Ea Siên

08:39, 30/07/2012

Gần một tháng nay, cứ  sau một ngày vất vả làm việc ngoài đồng, trên rẫy về, nhiều phụ nữ Nùng ở thôn 7 (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) lại tranh thủ buổi tối rủ nhau đến lớp học xóa mù do nhóm thanh niên tình nguyện trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh tổ chức để "nhặt từng con chữ" với mong muốn đi chứng thực các giấy tờ không phải điểm chỉ, biết cộng trừ cho đúng khi bán ký lúa, con gà …

Các học viên theo học lớp xóa mù.
Các học viên theo học lớp xóa mù.

Thôn 7 là thôn nghèo của xã Ea Siên có 103 hộ,  415  khẩu đều là người dân tộc Nùng. Ông Mã Văn Hiền, trưởng thôn cho biết: “Cả thôn có gần 100 người mù chữ, chủ yếu là chị em phụ nữ”. Bạn Nguyễn Thị Yên, sinh viên tình nguyện trường Cao đẳng Sư phạm tâm sự: “Khi đi phát tờ rơi tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình cho người dân trong thôn, phát hiện nhiều chị không biết chữ nên chúng em quyết định mở ngay lớp xóa mù”.  Lúc đầu các bạn gặp rất nhiều trở ngại do bất đồng ngôn ngữ, đường sá đi lại khó khăn, người dân lại thường đi làm rẫy, ruộng về tối. Nhóm đã cử 2 bạn biết tiếng Nùng đến nhà trưởng thôn đề xuất ý tưởng, rồi cùng ban tự quản thôn đi tuyên truyền, ghi danh sách những người tham gia lớp học. Mới đầu nhiều chị xấu hổ vì lớn tuổi mà không biết chữ, nhưng khi thấy nhiều người từ già đến trẻ đều đăng ký nên mỗi tối sau khi làm xong việc nhà các chị lại soi đèn pin tìm đến lớp học. Theo phương châm “người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít chỉ cho người chưa biết” chỉ trong vòng 3 ngày các thanh niên tình nguyện đã vận động được 67 chị đến lớp. Bà Long Thị Liễu một trong những học viên cao tuổi của lớp học chia sẻ: “Ngày trước nhà nghèo, lại đông anh em, từ nhỏ tôi phải theo bố mẹ lên nương rẫy cả ngày nên không có thời gian đi học. Nay được mấy cháu thanh niên tình nguyện mở lớp giảng dạy tôi vui lắm, đi làm về ăn cơm xong là qua lớp học liền sợ để lâu lại quên mất chữ. Giờ đi làm các giấy tờ tôi đã biết ký tên, ra chợ bán yến thóc, con gà... không phải nhờ người khác tính hộ nữa”.

Mở được lớp đã khó, việc duy trì và phát triển sĩ số học viên lại khó khăn gấp bội. Thời kỳ đầu, do chưa quen với mặt chữ, một số chị thường e ngại nên không muốn tới lớp, có hôm lớp chỉ còn từ 10 đến 15 người. Vì thế nhóm thanh niên tình nguyện đã thực hiện “4 cùng”: cùng làm, cùng ăn, cùng ở, cùng học với bà con. Khi lên rẫy trồng lúa, trỉa ngô hay dọn dẹp vệ sinh xóm làng các thanh niên tình nguyện đều hướng vào mục tiêu duy trì lớp học. Từ đó, bà con hiểu được ý nghĩa của việc học và lòng nhiệt tình của sinh viên nên đã coi các bạn như con em trong nhà. Chị Trần Thị Xuyến chia sẻ: “Lâu nay cầm cái dao, cái cuốc quen tay giờ cầm cái bút bé tí viết chữ cứ lóng nga lóng ngóng mãi... cũng may được mấy thầy cô áo xanh động viên nên giờ tôi đã đọc thông, viết thạo. Tôi tính thời gian tới sẽ tìm đọc những cuốn sách, bài báo hướng dẫn về trồng trọt, chăn nuôi để ứng dụng vào sản xuất nâng cao thu nhập cho gia đình”. Có thể nói, những lớp học như thế này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp bà con dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn có thêm cơ hội tiếp cận tri thức, qua đó biết cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần cải thiện đời sống. Chị Trần Thị Viễn tâm sự “ Nghe thanh niên tình nguyện bảo phải biết chữ thì không nghèo, không còn đói nữa nên ai cũng mừng và quyết tâm học cho bằng được".

Linh động  tổ chức lớp xóa mù đáp ứng nhu cầu thiết thực ở cơ sở, chỉ trong vòng một tháng các bạn thanh niên tình nguyện đã góp phần làm thay đổi nhận thức người dân địa phương. Đây cũng là phương châm của Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm nay là thực hiện các công trình, phần việc mà người dân địa phương đang có nhu cầu, những phần việc thiết thực, ý nghĩa để người dân thấy được trách nhiệm, sự nhiệt tình cống hiến của tuổi trẻ hôm nay.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc