Multimedia Đọc Báo in

Trường Đại học Tây Nguyên đào tạo cử nhân và thạc sĩ cho nước bạn Lào

09:18, 06/07/2012

Hơn 3 năm trở lại đây, Trường Đại học Tây Nguyên đã tiếp nhận đào tạo một số sinh viên, học viên (SVHV) cao học là người Lào, chủ yếu là ở tỉnh Champasak. Bước đầu số lượng còn ít, hiện nay mới chỉ có 6 SVHV, trong đó 2 HV cao học đang nghiên cứu chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi và 4 SV học các chuyên ngành: quản lý đất đai, quản lý tài nguyên và môi trường, chăn nuôi thú y.

      Kongmy Symoukda (Lào) -  HV cao học  khóa VI  khoa  Nông lâm Trường Đại học Tây Nguyên.
Kongmy Symoukda (Lào) - HV cao học khóa VI khoa Nông lâm Trường Đại học Tây Nguyên.

 Bước vào năm thứ nhất, do chưa biết nhiều tiếng Việt nên các SVHV Lào còn gặp một số khó khăn trong quá trình tiếp thu bài giảng, nhưng đến năm thứ hai hầu hết các bạn đã nói nghe và viết tương đối thành thạo tiếng Việt nên việc tiếp thu bài giảng tốt hơn, nắm vững kiến thức, kết quả học tập ngày càng được nâng cao. Nhà trường luôn quan tâm việc học tập, nghiên cứu của SVHV Lào, đã cử các giảng viên có học vị cao, có uy tín và trách nhiệm để hướng dẫn các SVHV Lào làm các tiểu luận, chuyên đề và khóa luận tốt nghiệp nhằm giúp các bạn nắm vững kiến thức để sau khi ra trường về nước phục vụ tốt nhân dân nước bạn. Học viên cao học Kongmy Symoukda là giảng viên trẻ của Trường Đại học Champasak (Lào) hiện đã học xong  năm thứ nhất chuyên ngành trồng trọt của Trường Đại học Tây Nguyên. Kongmy Symoukda đã nói, nghe, đọc thành thạo tiếng Việt và đọc hiểu các văn bản chuyên ngành. Cô đã được TS. Nguyễn Văn Nam hướng dẫn luận văn tốt nghiệp với đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của một số chủng nấm Trichodrema đến sinh trưởng và tính chống chịu bệnh trên cây cà phê chè tại Buôn Ma Thuột”. Kongmy Symoukda cho biết đây là đề tài mà cô tự xác định lựa chọn để sau khi về nước cô có thể hướng dẫn cho nông dân Lào áp dụng để phát triển trồng cây cà phê. Cô còn có ý định sẽ liên hệ với Thư viện Trường Đại học Tây Nguyên xin photo các tài liệu nghiên cứu về kỹ thuật trồng  lúa, chè, chuối và các hoa màu khác để mang về nước làm tài liệu tham khảo cho SV Trường Đại học Champasak mà cô đang công tác.

Hiện tại Trường Đại học Tây Nguyên có một khu ký túc xá khang trang, sạch sẽ, thoáng mát dành riêng cho SVHV Lào và Campuchia sinh hoạt và học tập. Khu ký túc xá có diện tích trên 2.000 m2  bao gồm: một nhà 3 tầng có 24 phòng ở và 4 phòng chức năng. Nhà trường đã đầu tư đầy đủ các phương tiện sinh hoạt bên trong phòng ở và các thiết bị cần thiết của các phòng chức năng, bảo đảm tốt các nhu cầu sinh hoạt của SVHS. Các phòng ký túc xá đều có nhà vệ sinh riêng và được trang bị các giường tầng, bàn học, tủ treo quần áo, có hiên phơi áo quần,… Ông Nguyễn Văn Ca, Phó Ban Quản lý ký túc xá Lào và Campuchia cho biết: hiện tại ký túc xá còn nhiều phòng chưa có SVHV ở và trước mắt ký túc xá có thể đáp ứng cho khoảng 150 SVHV đến ở và sinh hoạt. Ngoài ra, trong khu vực ký túc xá còn có  một sân bóng chuyền, một sân cầu lông và khu thể dục dụng cụ ngoài trời, đây là nơi sinh hoạt, giải trí, giúp các bạn có những phút giây thư giãn, thoải mái sau những giờ học tập ở trường. Bí thư Đoàn trường Đại học Tây Nguyên Phạm Trọng Lượng cho biết: Trong thời gian tới, số SVHV Lào sẽ ngày càng đông hơn. Vì vậy các hoạt động giao lưu thể thao thể dục, văn hóa văn nghệ sẽ được Đoàn trường chú ý nhằm giúp SVHV Lào và Việt Nam có cơ hội giao lưu tìm hiểu, cùng vun đắp tình hữu nghị lâu đời bền giữa hai nước. Ban Giám hiệu và lãnh đạo các khoa của Trường Đại học Tây Nguyên luôn quan tâm chú ý, theo dõi hỗ trợ quá trình học tập cũng như cuộc sống của các SVHV Lào để các bạn có được môi trường học tập tốt nhất khi ở Việt Nam. Các sinh viên Lào đang theo học tại đây đều nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt cả về vật chất lẫn tinh thần trong việc học tập và rèn luyện, nhờ đó, phần lớn SVHV đều yên tâm, cố gắng trong học tập và luôn đạt được kết quả khá tốt.

Trương Thông Tuần 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.