Dấu ấn một thời chưa xa...
Những học sinh miền Nam trên đất Bắc ngày ấy giờ đã là ông bà nội, ngoại, nhưng những ký ức về thầy cô, ơn dưỡng dục của đồng bào miền Bắc vẫn luôn cháy bỏng, da diết. Sự trưởng thành của mỗi “hạt giống đỏ” ngày ấy càng cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Bác Hồ kính yêu...
Yêu học sinh như con
Bà Huỳnh Thị Xuân lần giở những kỷ niệm khi học tại Trường học sinh miền Nam. |
Mùa Xuân năm 1955 là dấu mốc quan trọng đối với bà Huỳnh Thị Xuân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Bà đã tạm biệt cha mẹ, các em và bà con thôn Đá Bàn, xã Ba Đình, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi thân yêu để ra miền Bắc học tập. “Ngỡ rằng lần chia tay này chỉ khoảng một hoặc hai năm nào ngờ kéo dài hơn 13 năm cho đến khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội và viết đơn tình nguyện đi B”, bà Xuân bồi hồi nhớ lại. Cũng như bao học sinh miền Nam khác, bà Xuân đã được nhân dân miền Bắc, các thầy, cô giáo ở trường học sinh miền Nam số 20, số 6 và số 8 (Hải Phòng) nuôi dưỡng, chăm sóc với tình cảm yêu thương vô bờ bến. Tình cảm ấy đã ăn sâu vào tâm thức, sưởi ấm những học sinh xa nhà thiếu thốn tình yêu của gia đình. Dẫu đã gần nửa thế kỷ kể từ khi rời xa mái trường học sinh miền Nam, nhưng bà Xuân vẫn không quên ánh mắt, vòng tay thương yêu, chăm sóc của các thầy, cô mà những học sinh xa nhà, xa quê hương, thiếu thốn tình cảm như bà vẫn thường gọi một cách trìu mến là má, là ba. Bà Xuân xúc động kể: “Vào kỳ nghỉ hè hoặc Tết Nguyên đán, những bạn có ba, má tập kết ra Bắc được đón về nhà sum họp, quây quần, còn mình và những bạn không có người thân đành ở lại trường với nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết. Trường học ở gần ga Hàng Dương, mỗi kỳ nghỉ, thầy, cô giáo và những bạn ở lại trường thường ra tiễn các bạn về nhà và gần ngày tựu trường lại rủ nhau đến nhà ga đón các bạn nhập học. Trong những tháng hè ấy, nhà trường tổ chức cho học sinh ra đồng giúp dân nhổ mạ, gặt lúa, giao lưu với thanh thiếu niên địa phương. Đôi khi nhà trường cũng tổ chức cho số học sinh ở lại trường đi tham quan các nhà máy, xí nghiệp hay cắm trại hè”.
Cô Huỳnh Thị Xuân (thứ nhất hàng phía sau từ trái sang) và các bạn Trường số 8 Hải Phòng. |
Không chỉ dạy văn hóa, các thầy, cô còn nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu quê hương, giáo dục lý tưởng sống, động cơ học tập cho học sinh, nhằm nuôi dưỡng, đào tạo những thiếu niên, nhi đồng miền Nam - mà Bác Hồ gọi là "những hạt giống đỏ"- thành một lớp người trưởng thành để chi viện cho miền Nam trong kháng chiến và xây dựng Tổ quốc trong tương lai. “Học sinh Trường số 8 Hải Phòng khó có thể nào quên hình ảnh thầy Hiệu trưởng Lê Phú Lộc đều đặn mỗi buổi chiều thứ 7 tập trung học sinh tại hội trường để nói chuyện thời sự, văn học... Những nhân vật Paven (Thép đã tôi thế đấy) và Arthur (Ruồi trâu) đã hiến dâng cả cuộc đời, hy sinh tất cả tình cảm riêng tư cho lý tưởng cách mạng làm lũ học sinh mê tít. Chúng tôi đã trưởng thành, tự hào và thấy trách nhiệm của mình hơn. Sau những lần nói chuyện ấy, có hàng trăm lá đơn gửi lên Ban giám hiệu xin được về miền Nam chiến đấu”, bà Xuân bồi hồi nhớ lại.
Từ không có đến có, từ chưa biết đến biết
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuận (bên trái) và bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo kể về những kỷ niệm khi học ở miền Bắc. |
Ký ức của ông Y Hạ Niê Kdăm (nguyên Trưởng Ban nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc) về những năm tháng học tại Trường Dân tộc Trung ương là tình cảm của thầy, cô giáo, các cô bảo mẫu dành cho học sinh. Hồi ấy, mỗi lớp học có một giáo viên chủ nhiệm và 2 cô bảo mẫu phụ trách. Các thầy, cô giáo không chỉ dạy chữ mà còn tận tình chỉ bảo học sinh những việc nhỏ nhất như: tắm rửa, giặt giũ, đi ngủ phải thả màn… Ông kể: “Tối nào cũng vậy, khi các cháu ngủ say, cô bảo mẫu đến từng giường kiểm tra. Một đêm mùa đông năm 1962, cô bảo mẫu đi kiểm tra phòng nội trú phát hiện một học sinh ngủ mê tè dầm trên giường. Cô bảo mẫu đánh thức tôi dậy và nói: “Sao lớp trưởng không nhắc nhở các bạn vệ sinh trước khi đi ngủ, bây giờ cháu phải đem chăn, màn đi giặt”. Trước ánh mắt nghiêm khắc của cô, tôi rụt rè đứng dậy kéo chiếc chăn bông ra khỏi giường, nhưng cố mãi vẫn không kéo được vì chiếc chăn quá nặng. Để tôi loay hoay một lúc, cô đến gần nhẹ nhàng bảo: “Thôi con lên giường ngủ đi, sáng mai má giặt cho”. Sau lần ấy, tôi không bao giờ quên việc nhắc nhở các bạn phải đi vệ sinh trước khi ngủ”.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Thuận cùng tập thể lớp 8C ngày ấy. |
Cũng như nhiều học sinh dân tộc thiểu số miền Nam ra Bắc học, Y Hạ thấy cái gì cũng mới mẻ, lạ lẫm. “Còn nhớ, một lần nhà trường nấu bún tươi cho học sinh ăn sáng (thay vì ăn bánh mì với canh bí đỏ), chúng tôi chỉ nhìn mà không ăn. Thấy vậy, các cô cấp dưỡng liền hỏi, do vốn tiếng Việt quá ít ỏi, nên tôi không nói được lý do. Tôi đã dùng mười đầu ngón tay thấm nước vẽ lên mặt bàn và cố gắng dùng khẩu hình miệng để giải thích. Sau một hồi diễn đạt, cuối cùng các thầy, cô cũng hiểu học sinh không ăn bún tươi vì nghĩ đó là con giun! Hay một lần khác, ổ cắm điện trong phòng nội trú bị chập mạch, phát ra tiếng kêu sẹc…sẹc…sẹc, thấy lạ tôi và các bạn đưa tay vào sờ…rất may cả bọn chỉ bị giật nhẹ”, ông Y Hạ hồi tưởng.
Từ chỗ cái gì cũng lạ lẫm, không biết, sau 8 năm học tại Trường Dân tộc Trung ương (1960-1968), nhờ sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình của các thầy, cô giáo, cậu học sinh Y Hạ đã dần trưởng thành. Trong 2 năm học đầu tiên cậu đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ và vinh dự được gặp Bác Hồ. Những lời hỏi thăm, động viên của Bác đã giúp cậu vơi đi nỗi nhớ nhà, yên tâm học tập. Ông Y Hạ xúc động kể: “Cả 2 lần gặp, Bác đều hỏi thăm sức khỏe, tình hình học tập và cho tôi kẹo. Có một điều lạ là tuy có rất nhiều kẹo nhưng Bác chỉ cho mỗi cháu 5 viên mà thôi. Khi ấy chỉ mới hơn 10 tuổi nên tôi cứ mong được Bác cho nhiều kẹo hơn, mãi đến sau này, khi bố nuôi là ông Y Ngông Niê Kdăm (lúc ấy là Hiệu trưởng Trường Dân tộc Trung ương) giải thích tôi mới hiểu Bác cho chừng ấy kẹo là để động viên các cháu chăm ngoan, học giỏi, đồng thời phải biết tiết kiệm. Bài học về đức tính tiết kiệm của Bác đã theo tôi suốt từ ấy. Số tiền học bổng hằng tháng nhà trường cấp (2,5 đồng) tôi cất kỹ. Khi nhà trường phát động phong trào tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn, tôi rủ các bạn trong lớp trồng rau, nuôi gà, nuôi heo bán cho nhà bếp. Sau đó, khi học tại Trường Sư phạm Thái Nguyên tôi lại tiếp tục tăng gia bằng cách trồng sắn, nuôi thỏ, tiết kiệm tiền. Cứ như vậy, mấy năm sau đã tiết kiệm được đến 2.000 đồng, đây là số tiền không nhỏ, bởi lúc ấy vé xe từ Thái Nguyên về Hà Nội chỉ khoảng 3 xu, một bát phở khoảng 2 hào, một chiếc xe đạp Phượng Hoàng khoảng 700 đồng và lương giáo viên là 45 đồng/tháng…”
Và lòng biết ơn sâu sắc
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, năm 1955, ba chị em Nguyễn Thị Ngọc Thuận, Nguyễn Thị Ngọc Thảo và Nguyễn Ngọc Ánh theo mẹ tập kết ra Bắc. Mẹ bận công tác, cả 3 chị em đều do thầy cô, giáo ở các trường miền Nam nuôi dưỡng, chăm sóc. “6 tuổi tôi học lớp vỡ lòng, một lần do bất cẩn bị ngã từ giường tầng xuống phải đưa sang Trạm Y tế trường cấp cứu, cô bảo mẫu đã thức trắng đêm để chăm sóc. Khi bệnh thuyên giảm, cô đưa tôi về phòng tập thể của mình để tiện chăm sóc. Mùa Đông, thời tiết miền Bắc rét thấu xương, học sinh ai cũng ngại tắm, nên có nhiều bạn bị ghẻ chóc, các cô bảo mẫu đã không quản ngại vất vả hái lá xoan nấu nước, tắm cho từng đứa và trụng mền mùng để diệt rận”, bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo kể.
Không như bây giờ, trường học hồi ấy được phân chia theo giới tính (học sinh nữ học riêng, học sinh nam học riêng). Học sinh được ăn ở, sinh hoạt, học tập ngay trong trường cùng với thầy cô và cán bộ, nhân viên nhà trường như một gia đình lớn. Ngoài giáo viên chủ nhiệm, mỗi lớp có một thầy hoặc cô lo vấn đề ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Tuy trường học chỉ lợp mái tranh, tường trét đất nhưng được các thầy cô giáo, nhân viên và học sinh phân công trực nhật quét dọn sạch sẽ. Tất cả nhu cầu sinh hoạt, học tập của giáo viên, học sinh đều theo chế độ bao cấp; cô và trò phải nhờ sự cưu mang hết mực của đồng bào nơi trường đứng chân và tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn. Bà Thảo bồi hồi nhớ lại: “Khi ấy, dân đói, các thầy cô giáo cũng đói, nhưng con em miền Nam ra học thì được ăn no, mặc ấm. Thấy tôi gầy gò lại hay đau vặt nên cô cấp dưỡng đã đưa tôi vào danh sách học sinh được chăm sóc đặc biệt để bảo đảm sức khỏe. Trong môi trường nội trú, được Đảng và Nhà nước chăm sóc, bồi dưỡng đặc biệt, nên ý thức rèn luyện, tinh thần học tập rất cao”.
Trong ký ức của bà Thuận - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trường học sinh miền Nam là “mái nhà” của mình bởi những tình cảm quý báu mà đồng bào miền Bắc, thầy và trò đã dành cho nhau. Ký ức về công sức thầy, cô truyền đạt kiến thức, những cử chỉ ân cần chăm sóc, thậm chí những lần bị quở phạt do vi phạm nội quy như vừa diễn ra hôm qua. Những tình cảm này là hành trang quý giá luôn luôn nhắc nhở bà và 2 em sống xứng đáng hơn, không phụ sự nâng niu, đùm bọc, dạy dỗ của nhân dân miền Bắc, nhất là các thầy cô giáo - những người đã hy sinh cả tuổi xuân, xa gia đình, gửi con đi sơ tán... để chăm lo cho các em học sinh miền Nam hơn cả con mình.
Trong hơn 20 năm (1954-1975), tỉnh Dak Lak có gần 300 con em, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 1/3 đã được nuôi, dạy và trưởng thành tại 28 trường học sinh miền Nam từ cấp I đến cấp III. Các trường này đứng chân trên 10 tỉnh, thành phố ở miền Bắc và cả bên Quế Lâm, Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc). Trong số đó nhiều người sau khi rời ghế nhà trường đã trở về tham gia chiến đấu, công tác trên các chiến trường miền Nam, nhiều người tiếp tục học tập trong các trường đại học trong nước, trở thành những nhà khoa học, văn nghệ sĩ, cán bộ quản lý… xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc