Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh

07:04, 24/08/2012

Hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường học đã tổ chức cho học sinh tham gia bảo vệ môi trường qua những việc làm thiết thực: quét dọn sân trường, lớp học, trồng cây xanh … nhằm giáo dục ý thức, tạo thói quen trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Từ việc làm thiết thực...

Mỗi khi chuẩn bị vào năm học mới, hầu hết các trường học đều tổ chức những buổi lao động vệ sinh trường lớp, mà lực lượng chính là các em học sinh. Những hoạt động như quét dọn, chăm sóc cây xanh, tạo cảnh quan môi trường thân thiện, xanh – sạch – đẹp được duy trì thường xuyên trong suốt năm học không chỉ tạo môi trường học tập tốt mà còn giúp học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xung quanh. Một số trường còn tổ chức cho học sinh làm vệ sinh ở các khu vực công cộng. Thầy Phạm Trọng Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) cho biết: “Từ nhiều năm nay, cùng với việc huy động học sinh dọn vệ sinh trường lớp, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức cho các em  tham gia dọn cỏ, rác thải tại nhà sinh hoạt văn hóa của buôn. Thông qua những buổi lao động như thế này, các em nhận thức sâu sắc hơn về việc bảo vệ môi trường và hình thành thói quen tốt như: không xả rác thải bừa bãi, không chặt phá cây xanh, biết giữ gìn vệ sinh chung...”.

 Có thể nói, tổ chức cho học sinh tham gia làm vệ sinh trường lớp là một cách giáo dục ý thức bảo vệ môi trường thiết thực, hiệu quả, có tác động tích cực đến gia đình, cộng đồng nơi các em đang sinh sống. Nhiều trường ở khu vực nông thôn, lao động vệ sinh trường lớp đã trở thành một hoạt động thường xuyên, như lau chùi, quét dọn phòng học, chăm sóc cây xanh, nhổ cỏ quanh khuôn viên trường học… Em H’Gai Niê, học sinh lớp 6, Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) cho biết: “ Sau buổi tập trung đầu năm học, chúng em đã quét dọn trường lớp, cuốc cỏ khu vực hàng rào và cổng trường, tuy hơi mệt nhưng ai cũng vui vẻ làm vì không gian thoáng mát cho ngôi trường”.

Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar)  dọn cỏ trước cổng trường.
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) dọn cỏ trước cổng trường.

Đến những cách làm hay

Những năm qua, một số trường đã chủ động xây dựng mô hình học sinh tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả. Mô hình Đội thiếu nhi “Tình nguyện xanh” của Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) thành lập đầu năm học 2009-2010 đã và đang góp phần bảo vệ, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp trong trường học. Bằng hình thức tuyên truyền thông qua chương trình phát thanh của trường và tổ chức nhiều việc làm cụ thể như vệ sinh môi trường, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh đã tạo cho học sinh thói quen, hành vi ứng xử tốt với môi trường. Trong chương trình phát thanh, bản tin do các em trong đội soạn thảo không chỉ cung cấp thông tin về vấn đề môi trường mà còn biểu dương kịp thời các chi đội, đội viên điển hình của liên đội về việc phòng chống các hành vi phá hoại môi trường. Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh của trường chia sẻ: “ Mô hình đội thiếu nhi “Tình nguyện xanh” là một phương pháp giáo dục thiết thực để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh. Đồng thời, khích lệ, biểu dương những học sinh gương mẫu để các bạn noi theo”.

Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã phối hợp với Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh tổ chức cuộc thi vẽ tranh về môi trường. Những bức tranh được thể hiện dưới nhiều gam màu khác nhau đã thể hiện tình cảm, suy nghĩ của các em về hoạt động bảo vệ môi trường. Đây là sân chơi bổ ích,  hướng các em tham gia giữ gìn vệ sinh chung bắt đầu từ những hành động đơn giản nhất như bỏ rác đúng nơi quy định, nhắc nhở bạn bè và người thân không vứt rác bừa bãi...

Ngoài ra, còn nhiều những mô hình trồng, chăm sóc cây xanh ở các trường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột với tên gọi: Góc thiên nhiên, vườn rau của bé, vườn tuổi thơ, cây xanh em trồng... đã và đang tạo cho học sinh thói quen bảo vệ thiên nhiên, môi trường ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.