Multimedia Đọc Báo in

Sắc thắm Pơ lang

19:23, 25/08/2012

Tại buổi giao lưu gặp mặt sinh viên dân tộc thiểu số đạt thành tích học tập loại giỏi lần thứ XIV năm 2012 do Hội LHTNVN tỉnh tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, nhiều sinh viên đã khiến người dự xúc động bởi sự nỗ lực vươn lên trong học tập mong đưa tri thức về phục vụ buôn làng… Đó là những bông Pơlang thắm sắc của đại ngàn Tây Nguyên.

Y Dhin Buôn Krông: Niềm tự hào của buôn làng 

Y Dhin Bkrông (người đứng bên phải).
Y Dhin Bkrông (người đứng bên phải).

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở buôn Dliê Ya B (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng), Y Dhin thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ để nuôi 5 đứa con ăn học. Do đó Y Dhin sớm có tính tự lập và chăm chỉ học tập. Năm 2008, Y Dhin thi và trúng tuyển ngành Giáo dục thể chất Trường Đại học Tây Nguyên. Niềm vui của Y Dhin cũng là niềm tự hào của cả buôn. Ngày Y Dhin lên đường nhập học già làng Aê Kam Ksơr phấn khởi: “Đây là đứa con đầu tiên của buôn này đậu Đại học, được đi học biết cái chữ sẽ giúp buôn làng ngày thêm ấm no, hạnh phúc, hy vọng lớp trẻ sẽ tiếp tục noi gương Y Dhin”. Không phụ lòng mong đợi của gia đình, buôn làng, suốt 4 năm Đại học Y Dhin luôn là sinh viên giỏi, được nhận học bổng. Đặc biệt năm học thứ tư (2011-2012) em đạt điểm tổng kết trên 9,0. Y Dhin cho biết: “Ngành Giáo dục thể chất mỗi kỳ thường học 7 môn, trong đó có 2 đến 3 môn học thực hành, còn lại là các môn lý thuyết. Để học tốt các môn lý thuyết hằng ngày em thường thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để ôn bài, khi lên lớp chịu khó nghe thầy cô giảng, ngoài ra còn dành thời gian lên mạng tìm hiểu thêm các tài liệu liên quan để hiểu và nắm chắc hơn các vấn đề đã được học trên lớp”. Không chỉ học giỏi Y Dhin còn tích cực tham gia phong trào Đoàn thanh niên và Hội sinh viên như:  Xây dựng công trình thanh niên, ủng hộ đồng bào lũ lụt, hiến máu nhân đạo, tiếp sức mùa thi, tình nguyện hè…

Phạm Thị Hương: Tri thức là chìa khóa để mở cánh cửa tương lai

Dáng vẻ nhỏ nhắn, hiền lành với chiếc răng khểnh duyên dáng, Phạm Thị Hương (dân tộc Nùng), sinh viên năm thứ tư ngành Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Tây Nguyên nhiều năm liền là sinh viên giỏi, với điểm trung bình trên 9.0. Năm học xong lớp 10, do gia đình ở quê gặp hoàn cảnh khó khăn, Hương vào Dak Lak ở với gia đình anh trai vừa phụ giúp công việc vừa tiếp tục học. Thi đậu Đại học, Hương sắp xếp thời gian biểu thật khoa học để không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức, chịu khó tham gia các hội thảo về phương pháp học tập và đổi mới phương pháp giảng dạy, hội thảo khoa học do khoa và nhà trường tổ chức… Hương luôn quan tâm chia sẻ với những bạn gặp khó khăn trong học tập để giúp nhau cùng tiến bộ, hiện nay 6 bạn học trong nhóm của Hương đều đạt học lực loại giỏi. Hương chia sẻ: “Để học tốt thì điều quan trọng là phải biết sắp xếp công việc một cách hợp lý, khi học bài không bị các việc khác chi phối, ngoài những kiến thức được học ở lớp, về nhà cần nghiên cứu kỹ giáo trình cộng thêm tham khảo các tài liệu liên quan để từ đó mở rộng và nắm vững những kiến thức cơ bản. Trước mỗi kỳ thi nên chủ động ôn tập bài vở, tránh để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Với nỗ lực không ngừng, kết quả học tập của Hương ngày càng tiến bộ, từ loại khá lên loại giỏi, năm học 2011-2012 đạt loại xuất sắc. “Em luôn cố gắng học thật giỏi, tích lũy kiến thức bởi đó là chìa khóa mở cánh cửa tương lai, Hương tâm sự.

H’Tình Mlô: Học để trả ơn ama, amí

H’Tình Mlô (bên phải).
H’Tình Mlô (bên phải)

Là chị cả của 4 đứa em, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng H’Tình Mlô (Tổ dân phố 5 thị trấn Phước An, huyện Krông Pak) luôn quyết tâm học giỏi để làm vui lòng bố mẹ và làm gương cho các em. Gia đình H’Tình chỉ có 2 sào ruộng và 5 sào cà phê, bố mẹ suốt ngày quần quật ngoài đồng làm lụng nuôi 5 chị em H’Tình đủ cái ăn đã khó chưa nói gì đến đi học. Nhiều lần H’Tình đã tính bỏ học để phụ giúp nuôi các em nhưng được bố mẹ động viên em lại đến trường và nỗ lực học tập.

Sau khi học hết phổ thông, H’Tình thi đậu vào ngành Sư phạm Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak, cả nhà ai cũng mừng. Với phương pháp học tập chủ động như: Bám sát giáo trình, luôn lắng nghe thầy cô giảng bài, học hỏi từ các bạn, sắp xếp lịch học hợp lý, xem bài kỹ trước khi lên lớp, siêng năng luyện vẽ... trong 3 năm sinh viên H’Tình đã gặt hái được nhiều thành tích học tập, luôn là học sinh giỏi. H’Tình chia sẻ: Em cố gắng phấn đấu học tập tốt, trước mắt đỡ đóng các khoản phí thi lại, học lại, đó cũng là cách để báo đáp công ơn a ma, a mí đã vất vả làm lụng nuôi em ăn học:. Là người con hiếu thảo, H’Tình cũng là một người chị gương mẫu, chăm lo bảo ban em út học tập. Đến nay, người em trai thứ 2 đã học xong phổ thông chuẩn bị lên đường nhập ngũ, người em gái thứ 3 đang học trường Dự bị Đại học Nha Trang, em trai thứ 4 chuẩn bị đi học Trường Cao đẳng Sư phạm Mỹ thuật (thành phố Hồ Chí Minh). Hiện nay, H’Tình đang rất háo hức chờ ngày được đứng trên bục giảng để có dịp ứng dụng những kiến thức đã học.

Với những nỗ lực trong học tập, rèn luyện, Y Dhin, H’Tình, Phạm Thị Hương đã nhận được nhiều giấy khen của Ban Giám hiệu, Đoàn trường, Hội sinh viên và vinh dự là 3 trong số 15 sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Các bạn là những tấm gương sáng để đoàn viên thanh niên, đặc biệt là sinh viên học tập và noi theo.

Tuấn Anh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.