Multimedia Đọc Báo in

Cần coi trọng tính chủ động tự học và sáng tạo trong học tập của học sinh

15:50, 14/09/2012

Phần lớn học sinh dự thi vào các trường điểm bậc Trung học cơ sở là những học sinh giỏi của bậc Tiểu học, điểm tiếng Việt và Toán năm lớp 5 thường là điểm 10. Thế nhưng khi được yêu cầu định nghĩa về tam giác cân, đa số các em đều phát biểu: “Tam giác cân là tam giác có ba cạnh bằng nhau”. Các định nghĩa về hình thang, hình chữ nhật… các em đều trình bày không chính xác. Ở môn tiếng Việt cũng vậy, nhiều học sinh trường điểm vẫn chưa xác định đúng chủ ngữ, vị ngữ và viết đúng ngữ pháp một câu đơn bình thường. Thậm chí, nhiều kiến thức đã được học ở bậc Tiểu học nhưng khi được thầy giáo yêu cầu nhắc lại, các em đều bảo chưa được học.

Có tình trạng trên là do nhiều học sinh chưa coi trọng tính chủ động tự học và sáng tạo trong học tập; chỉ học một cách đối phó, khi thầy giáo hỏi bài, các em nhìn vào sách giáo khoa để nói chứ chưa động não suy nghĩ để trả lời theo sự hiểu biết của mình. Như vậy, kiến thức vẫn còn ở nơi sách vở chứ chưa được hình thành trong đầu của các em. Tình trạng này cũng xảy ra phổ biến ở bậc Trung học phổ thông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh chưa coi trọng việc tự học, sáng tạo trong học tập là vấn nạn dạy thêm, học thêm thiếu khoa học, làm hổng hụt kiến thức căn bản. Nhiều học sinh đi học thêm chỉ để được cô giáo, thầy giáo giải trước cho bài sẽ kiểm tra hay biết trước kiến thức bài sắp học. Không chỉ học sinh đi học thêm nhằm biết trước đề kiểm tra để làm bài được điểm cao mà nhiều phụ huynh cũng ép con mình đi học thêm để dễ bề xin điểm cho con. Chúng ta không phủ định tính tích cực của việc dạy thêm, học thêm; nhưng dạy thêm, học thêm sao cho khoa học, bảo đảm tính tích cực của nó là nhiệm vụ của các cấp quản lý giáo dục.

Có thể ví: Muốn bơi được thì cần học bơi và phải có người kèm cặp mới an toàn, không xảy ra đuối nước. Nhưng nếu chúng ta cứ lệ thuộc vào người kèm cặp, không dám tự mình bơi thì không thể nào bơi qua sông, ra biển được. Trong học tập cũng vậy, vấn đề chủ động tự học và sáng tạo của người học sẽ quyết định sự thành đạt của mỗi con người. Sách giáo khoa mới hiện nay được biên soạn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự học của học sinh. Mỗi học sinh cần học kỹ bài học cũ, chủ động nghiên cứu, tiếp cận kiến thức bài sẽ học trong ngày để nắm bắt kiến thức, phần mình chưa hiểu sẽ được giải quyết trong quá trình trao đổi nhóm, việc giảng dạy của thầy và tham gia xây dựng bài của các bạn trong lớp. Học như vậy sẽ góp phần làm cho tiết học sinh động, học sinh hiểu, nắm chắc bài tại lớp. Bên cạnh đó, mỗi học sinh phải tập trung cao độ để tiếp thu bài giảng, tích cực tham gia xây dựng bài bằng sự hiểu biết của mình, không nên nhìn vào sách giáo khoa để nói, hoặc dùng sách giáo khoa đọc khi thầy hỏi bài. Trong việc tự học ở nhà, học sinh cũng cần tự nhớ lại những kiến thức đã học, phần nào không nhớ được mới mở sách giáo khoa và vở ghi chép ra học. Sau khi học xong, cần gấp sách vở lại, tự kiểm tra mình đã nắm được kiến thức đó chưa? Cần học kỹ, nắm chắc lý thuyết rồi mới làm các bài tập thực hành, hết một chương phải hệ thống hóa các kiến thức trọng tâm đã được học trong chương đó. Học phải đi đôi với hành, phải vận dụng các kiến thức, kỹ năng được thực hành trong nhà trường vào đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất để củng cố kiến thức đã học, rèn luyện kỹ năng. Mỗi học sinh cần xây dựng cho mình một “đôi bạn cùng tiến” để chia sẻ niềm vui với nhau, động viên, giúp nhau trong học tập bằng cách đặt ra các câu hỏi về bài đã học để bạn trả lời, bổ sung cho bạn những kiến thức còn thiếu, uốn nắn các sai sót cho bạn, cùng nhau trao đổi những kiến thức của bài sắp học trong ngày…

Chủ động tự học và sáng tạo của học sinh là phương pháp học tập tiến bộ cần được các trường học và từng gia đình quan tâm. Đó cũng là một trong những nội dung cơ bản nhất của việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực mà ngành giáo dục đang nỗ lực thực hiện.

Lê Anh Chới


Ý kiến bạn đọc