Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Thực hiện có hiệu quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

08:19, 19/09/2012

Với mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011-2015 là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi trên địa bàn được đến lớp; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện, thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Krông Bông đã có những biện pháp tích cực nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Đón các em vào lớp
Đón các em vào lớp.

Để công tác điều tra độ tuổi được đảm bảo chính xác, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, bố trí cán bộ thống kê rà soát số lượng trẻ trong độ tuổi 5 tuổi, đánh giá hiện trạng, điều kiện thực tế tại địa bàn để xây dựng kế hoạch lộ trình thực hiện cụ thể cho từng khu vực, địa phương phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục cũng được đẩy mạnh, huy động các nguồn vốn, dự án để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi, nâng cao điều kiện, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ… Ngành cũng thường xuyên tăng cường công tác bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác; qua đó có 96,4% giáo viên đạt chuẩn về trình độ, nghề nghiệp, trong đó, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt trên 31%.

Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ nhất là chương trình GDMN được triển khai đồng bộ, theo đúng tiến độ đề ra; theo đó vận dụng linh hoạt, chủ động sáng tạo trong việc xây dựng thực hiện nghiêm túc công tác chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng và tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ tại trường; đổi mới phương pháp, tích hợp nội dung giáo dục theo chủ đề, chủ điểm; tổ chức các hoạt động cho trẻ phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và tình hình thực tế của địa phương… Đặc biệt, tích cực tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Đến nay, 15/15 trường đã sử dụng phần mềm phổ cập và phần mềm giảng dạy KIDMAST; 2 trường Mẫu giáo Mầm non và Mẫu giáo Hòa Thành đã sử dụng phần mềm dinh dưỡng NUTRIKID; 100% trẻ tại các trường được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng và khám sức khỏe định kỳ… Qua đó, góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, duy trì tốt sĩ số trẻ đến trường đặc biệt là trẻ từ 3-5 tuổi, không có trẻ bỏ học; tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần đối với trẻ 5 tuổi đạt 98%; 100% số trẻ 5 tuổi là con em dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt và hoàn thành chương trình GDMN.

Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện, năm 2012 toàn huyện có 15 trường mầm non, với 146 lớp, trong đó có trên 90 lớp trẻ 5 tuổi, trong số đó có 74 lớp học 2 buổi/ ngày và 7 lớp bán trú. Trong năm 2011 vừa qua, đã có 3 xã đạt chuẩn phổ cập GDMN là thị trấn Krông Kmar, xã Hòa Tân và xã Hòa Thành, theo kế hoạch đề ra 5 xã tiếp theo sẽ phấn đấu đạt chuẩn phổ cập GDMN trong năm 2012 là Hòa Phong, Cư Kty, Ea Trul, Yang Reh, nâng tổng số xã đạt chuẩn phổ cập GDMN 8/14 xã, thị trấn ( đạt 57%).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trong thời gian qua trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị và một số công trình phụ trợ còn thiếu thốn, đặc biệt là đối với các lớp bán trú; trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân không đồng đều, đời sống còn nhiều khó khăn dẫn đến nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của PCGDMN và việc quan tâm, đóng góp đầu tư cho trẻ ra lớp còn nhiều hạn chế… Do vậy, để giữ vững và đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi rất cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đoàn thể cũng như các cá nhân, tổ chức, cha mẹ học sinh trong việc huy động trẻ ra lớp, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, lớp học mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ trên địa bàn huyện…

Thanh Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.