Multimedia Đọc Báo in

Mô hình trường tiểu học mới: Giúp học sinh thêm tự tin, hứng thú học tập

08:18, 19/09/2012

Năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 70 trường tiểu học triển khai mô hình trường học mới. Theo mô hình này, học sinh (HS) hoàn toàn tự chủ, ngồi học thoải mái trong lớp và giáo viên (GV) chỉ đóng vai trò hướng dẫn.

Mô hình trường học mới học sinh được sắp xếp chỗ ngồi học theo nhóm.
Mô hình trường học mới học sinh được sắp xếp chỗ ngồi học theo nhóm.

Đều đặn mỗi ngày, sau tiếng trống báo hiệu giờ vào học, Hội đồng tự quản các lớp của Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) khởi động tiết học mới bằng một bài hát tập thể hoặc trò chơi, kiểm tra bài cũ và đọc mục tiêu bài học trước khi GV chủ nhiệm đến. Bài học môn Toán của lớp 3 EN1 hôm nay diễn ra nhẹ nhàng, HS hăng say thảo luận về số nhỏ nhất và số lớn nhất có 3 chữ số. Lớp học trở nên sinh động hơn với những câu hỏi của HS đặt ra cho GV…. Cô Bùi Thị Dung, GV chủ nhiệm lớp 3EN1 cho biết: “Hoạt động này được duy trì thường xuyên từ năm học 2011-2012 khi triển khai thí điểm mô hình trường tiểu học mới (VNEN). Ở mô hình này, HS giữ vai trò trung tâm, GV chỉ là người hướng dẫn và đồng hành giúp các em tự tìm hiểu kiến thức”.

HS là đối tượng trung tâm của quá trình dạy-học, nên Hội đồng tự quản lớp do HS tự bầu chọn thay vì cô giáo chủ nhiệm chỉ định đóng vai trò quyết định. Tiêu chí bầu Hội đồng tự quản lớp gồm một chủ tịch, hai phó chủ tịch và 6 thành viên các ban (gồm: học tập, thư viện, đối ngoại, tư vấn, văn nghệ-thể dục thể thao, sức khỏe-vệ sinh) phải là người học giỏi, năng động, tích cực, có khả năng giao tiếp trước đám đông. Với cách bầu chọn trên, lớp sẽ có đội ngũ tự quản uy tín, năng lực để tổ chức các hoạt động tự học, tự giáo dục theo yêu cầu của mô hình trường học mới. Nếu như trước đây Ban cán sự lớp chỉ nghe theo mệnh lệnh của GV chủ nhiệm để điều hành, thì nay Hội đồng tự quản lớp đảm nhiệm toàn bộ các hoạt động, chỉ thật sự cần thiết mới báo cáo GV để được hỗ trợ, giúp đỡ. Điểm mới của mô hình trường học mới là HS được sắp xếp chỗ ngồi học theo nhóm (mỗi nhóm 6-8 HS tùy sĩ số của mỗi lớp); phòng học được bố trí giống như phòng học bộ môn, thư viện linh động với đồ dùng dạy học sẵn có và tự làm để khi cần HS có thể lấy. “Việc xếp chỗ ngồi học theo nhóm giúp các em hình thành kỹ năng mới thông qua quá trình học tập mang tính hợp tác, thuận tiện hơn khi tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể, từ đó phát huy tính tự lập và khả năng sáng tạo. GV có thể đến từng HS để giải đáp thắc mắc chứ không chỉ đứng trên bục giảng truyền thụ một chiều”, cô Bùi Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt khẳng định.

Dạy học theo chương trình cũ đã có sách hướng dẫn hoặc giáo án, còn tài liệu giảng dạy theo mô hình trường học mới chỉ biên soạn phương pháp dạy - học sao cho hiệu quả, GV phải thay đổi tư duy về dạy học trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình. Do đó GV phải đầu tư công sức thiết kế bài giảng, tổ chức dạy học phù hợp nhận thức và nhu cầu của từng đối tượng HS, trong đó chú trọng phát huy tính sáng tạo trong dạy học, vận dụng các hình thức dạy học linh hoạt như dạy học theo góc để kích thích HS tích cực học tập thông qua các hoạt động và tăng cường sự tham gia, nâng cao hứng thú của HS, nhất là phải lường trước những tình huống phát sinh nhằm giúp các em tìm tòi, khám phá bài học. Ngoài ra, để học sinh phát huy được tính sáng tạo, giáo viên chủ nhiệm luôn đề cao vai trò của thủ lĩnh lớp học trong việc tổ chức các hoạt động học tập, tạo cơ hội để nhiều HS trong lớp được thể hiện vai trò của mình.

Bà Thái Thị Mỹ Bình, Trưởng Phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, chính vì yêu cầu GV phải năng động, nhiệt tình và có trình độ chuyên môn nên khi triển khai mô hình mới không ít trường ngần ngại. Để tháo gỡ khó khăn trên, cuối tháng 7-2012, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn dạy học theo mô hình trường học mới cho hơn 160 chuyên viên phụ trách công tác tiểu học của các phòng GD-ĐT, giáo viên cốt cán của các trường áp dụng mô hình trường học mới. Về phía Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên theo hướng tự học, tự bồi dưỡng, tự làm đồ dùng dạy học, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp qua sinh hoạt chuyên môn tại tổ, trường và cụm trường.

Còn quá sớm để có thể khẳng định hiệu quả của mô hình trường tiểu học mới, tuy nhiên qua một năm triển khai, HS của các trường áp dụng mô hình này tự tin, mạnh dạn và ham học tập hơn. Nhờ đó các trường bảo đảm việc duy trì sĩ số. Tại một số trường tiểu học, mô hình này không chỉ bó hẹp ở khối lớp 2, 3 mà đã mở rộng ở khối lớp 4 và lớp 5. Về phía phụ huynh từ chỗ ngần ngại, băn khoăn vì đã là thí điểm hẳn sẽ có thành công hoặc thất bại, thì nay đã dành thời gian, kinh phí cùng GV chủ nhiệm trang trí lớp, góc học tập cho con em mình theo đúng quy định của mô hình trường tiểu học mới, tạo hứng thú học tập cho con em.

Trường tiểu học mới thuộc Dự án GPE-VNEN được thực hiện bằng nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại của Quỹ Giáo dục toàn cầu, triển khai thí điểm ở 1.447 trường tiểu học trên toàn quốc từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2015. Năm học 2011-2012, tỉnh Dak Lak có 4 trường tiểu học thuộc TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ triển khai  thí điểm và năm học 2012-2013 có 70 trường áp dụng mô hình này. Các trường tiểu học được lựa chọn thí điểm tập trung đổi mới hoạt động sư phạm, chuyển đổi từ dạy học truyền thụ của GV sang tổ chức hoạt động tự học của HS, trong đó đặc biệt chú trọng tới khả năng tự học, tự trải nghiệm của HS, bà Thái Thị Mỹ Bình cho biết thêm. 

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.