Những cô giáo trẻ gieo chữ bên dốc “cổng trời”
Điểm trường Ea Rớt thuộc Trường Tiểu học Cư Pui 2 (huyện Krông Bông) cách trung tâm xã Cư Pui hơn 20 km. Đến được điểm trường này phải vượt qua rất nhiều dốc cao ven những ngọn núi, đặc biệt là dốc Ea Lang mà mọi người thường gọi là dốc “Cổng trời” do độ cao, độ dốc và sự nguy hiểm của nó. Có vào thăm điểm trường Ea Rớt vào những ngày mưa gió mới thấy được những khó khăn, vất vả của các thầy cô giáo nơi đây.
Giờ học của cô và trò ở điểm trường Ea Rớt. |
Năm học 2012-2013, điểm trường Ea Rớt có 7 lớp Tiểu học, 189 học sinh, 100% là người dân tộc thiểu số gồm Mông, Mán, Mường… Cơ sở vật chất chẳng có gì ngoài 4 phòng học tạm và một gian nhà ở của giáo viên. Bảy cô và một thầy giáo được phân công dạy ở điểm trường này đều còn rất trẻ, mới ra trường, có gia đình ở xa. Tuy mới ra trường, điều kiện công tác, sinh hoạt, đi lại gặp rất nhiều khó khăn nhưng tất cả đều rất tâm huyết với nghề. Cô Nguyễn Thị Phương Thanh, nhà ở thị trấn Krông Kmar tâm sự: “Các em học sinh ở đây rất ngoan và ham thích được đi học. Vốn tiếng Việt còn nhiều hạn chế, nhiều em không nói được tiếng Việt, không biết cách cầm bút để viết. Đa số các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc, có em phải đi học trên đoạn đường 4-5 km. Thương lắm! Nhiều hôm thấy các em không hiểu bài nên chúng tôi giảng bài cho các em quên cả giờ ra chơi”. Cô Đỗ Trúc Yến Ly cũng cho biết: “Nhà trường phân cho chúng tôi “kiêm” dạy luôn cả các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Vì vậy những lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường ngồi tập hát, tập vẽ để dạy các em”.
Việc đi lại của các thầy cô giáo gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào những hôm trời mưa. Cô Đoàn Thị Phước, nhà ở xã Hòa Lễ cho biết: “Thứ hai chúng tôi phải dậy lúc 3 giờ sáng chuẩn bị mọi thứ để hơn 4 giờ là lên đường đến điểm trường. Những cô nhà ở địa phương khác như: huyện Krông Pak, Krông Năng, TP. Buôn Ma Thuột thì đi tắt qua xã Cư Ea Lang (huyện Ea Kar) rồi gửi xe và đi bộ 4 km. Còn lại những người ở huyện Krông Bông thì phải leo dốc “Cổng trời”. Do đi không quen nên tôi đã bị ngã 3 lần khi lên dốc. Tôi đã từng nghe kể và đọc nhiều bài báo viết về dốc “Cổng trời” nhưng khi đi mới biết được sự nguy hiểm của nó còn hơn tôi tưởng. Nếu trời mưa thì đành phải đi bộ chứ chúng tôi không dám đi xe máy”. Trong số 7 cô giáo ở điểm trường thì cô Hồ Thị Duyên nhà ở thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) là đã lập gia đình. Vì có con nhỏ, được ưu tiên dạy ở điểm chính nhưng cô vẫn tình nguyện vào Ea Rớt để đi tắt về nhà gần hơn. Cô Duyên tâm sự: “Gia đình tôi neo người, không có ai giữ con cho tôi đi dạy. Vì vậy tôi đành để cháu ở nhà và hằng ngày phải đi về hơn 80 km. Biết là rất vất vả nhưng phải cố gắng thôi chứ biết làm sao được”. Không chỉ đi lại, việc ăn ở và sinh hoạt cũng rất khó khăn. Cô Hồ Thị Mai Lan tâm sự: “Mỗi tuần mới về nhà một lần, thức ăn chủ yếu là cá khô. Vì đường xa, khó đi, ở đây lại không có hiệu thuốc nên sợ nhất là ốm đau. Cả khu tập thể và những người dân xung quanh dùng chung một cái giếng nên nước rất đục, muốn sử dụng phải múc để lắng vài hôm mới dùng được”. Không có ti vi, đài, điện thoại cũng không có sóng nên thú giải trí duy nhất của các cô sau khi lên lớp là chơi bài và cờ cá ngựa. Cô Phước tâm sự: “Nhiều lúc muốn sang thăm các gia đình người Mông bên cạnh trường nhưng họ đi làm suốt ngày, tối thì chưa đến 7 giờ họ đã tắt đèn đi ngủ. Lúc rảnh, chúng tôi chỉ còn biết ngồi luyện chữ viết, soạn bài, học hát, học tiếng Mông hoặc thư giãn bằng bộ cờ cá ngựa”…
Các cô giáo trẻ ở điểm trường Ea Rớt đều có chung mong muốn: thôn Ea Rớt sớm được quy hoạch, điểm trường này sớm được đầu tư xây dựng để tất cả các em nhỏ ở nơi đây đều được cắp sách đến trường.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc