Multimedia Đọc Báo in

Qua sông đi tìm con chữ

08:38, 10/09/2012

Để đến trường học, các em học sinh phải đi hơn chục cây số đường dốc qua những cánh rừng hoang vắng, vượt cây cầu tạm bắc qua sông Krông Ana và sau buổi học trở về nhà khi trời đã sập tối... Đó là chuyện hằng ngày của học sinh thôn Noh Prông, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) trong hành trình đi tìm con chữ.

Chiếc cầu này thường bị ngập nước mỗi khi có mưa lũ.
Chiếc cầu này thường bị ngập nước mỗi khi có mưa lũ.

Thôn Noh Prông hiện có 365 hộ với 2.082 khẩu, hầu hết là người Mông di dân ngoài kế hoạch, trong đó số trẻ em trong độ tuổi đi học chiếm 1/3 dân số. Năm học 2012-2013, cả thôn có 76 học sinh theo học ở Trường THCS Hòa Phong. Mỗi ngày các em ở đây đến trường đều phải đối mặt với con đường đầy nỗi gian truân, vất vả.

Đầu năm học mới cũng là thời điểm bắt đầu mùa mưa bão. Con đường từ thôn Noh Prông đến Trường THCS Hòa Phong dài hơn 10 km, lại phải đi qua chiếc cầu gỗ tạm bợ do dân trong thôn tự làm bắc qua con sông Krông Ana. Ngày nắng ráo, học sinh phải dậy từ 5 giờ sáng đạp xe hối hả mới kịp giờ vào lớp. Còn vào những ngày mưa, nước sông dâng cao, cầu năm nào cũng bị cuốn trôi, đường đất đầy sình lầy khiến cả thôn Noh Prông như một hòn đảo bị cô lập, học sinh phải nghỉ học ít nhất 1 tuần hoặc nửa tháng. Do điều kiện đường sá xa xôi lại bị ngăn cách khi trời mưa lũ nên số lượng học sinh trong thôn Noh Prông bỏ học giữa chừng khá cao. Cũng chính vì vậy, khi năm học mới sắp bắt đầu, các thầy cô giáo nơi đây lại phải đi đến từng nhà vận động học sinh đi học. Những giáo viên ở Trường THCS Hòa Phong mỗi lần đi vận động học sinh đến lớp cũng phải băng sông, trèo đèo đi vào rừng sâu, vì hầu hết khi nghỉ học các em thường lên nương rẫy phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, có vận động thì các em đến trường cũng được một vài tuần sau đó lại nghỉ học vì con đường đến trường quá gian nan vất vả. Em Hầu A Phương, học sinh lớp 9A Trường THCS Hòa Phong, kể: “Mùa nắng, từ nhà đi tới trường bằng xe đạp cũng mất một tiếng rưỡi đồng hồ; còn vào mùa mưa, bạn nào học buổi sáng phải dậy từ 4 giờ sáng; nếu học buổi chiều thì phải tranh thủ đi từ lúc 10 giờ trưa, tan học về đến nhà có khi đã 7 giờ tối”. Học sinh đi học thường phải mang theo đồ ăn ở nhà đến lớp để ăn thay bữa sáng, nhà nào có điều kiện hơn thì bố mẹ cho tiền đến trường rồi ra quán mua đồ ăn. Rất nhiều học sinh khó khăn thường nhịn bữa sáng, những khi phải ở lại học buổi chiều thì các em chỉ ăn qua loa vài chiếc bánh kẹo nhỏ mua ở quán để lót dạ! Thầy Trần Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Phong cho biết: “Tỷ lệ học sinh thôn Noh Prông bỏ học giữa chừng chiếm khá cao. Chỉ tính riêng năm học 2011-2012, trường có 7,5% học sinh bỏ học thì trong đó học sinh thôn Noh Prông đã chiếm 7%. Đa số học sinh thường bỏ học do đường đi học quá xa và khó đi về trong mùa mưa lũ”.

Em Vương Thị Xuân, học sinh lớp 9B Trường THCS Hòa Phong bày tỏ: “Em mong chiếc cầu bắc qua sông Krông Ana sớm hoàn thành và đoạn đường đất ra tỉnh lộ 12 được tu sửa lại để em và bạn bè có thể đi học thuận lợi hơn vào những ngày mưa lũ”. Còn ông Hoàng Văn Bằng, Trưởng thôn Noh Prông bùi ngùi: “Vào mùa mưa, khi nước sông dâng cao, dù có bận bịu việc gì bà con cũng phải ra bờ sông để đón con đi học về nhà. Mọi người dân ở đây rất mong cầu sớm được thi công xong để cho bà con thuận lợi trong đi lại và nhất là con em trong thôn đi học thuận tiện hơn”. Được biết, cây cầu ở thôn Noh Prông bắc qua sông Krông Ana đã được khởi công xây dựng do UBND huyện Krông Bông làm chủ đầu tư, công ty TNHH Điền Nguyên trúng thầu nhưng đến nay mới chỉ đổ được 2 trụ cầu ở hai bên sông mà không biết vì lý do gì vẫn chưa thi công tiếp trong khi mùa mưa đã đến.

Nguyễn Trung Thu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.