Sáng ngời truyền thống hiếu học
Với mong muốn trao cho con chiếc chìa khóa đi đến thành công nhiều người bố, người mẹ đã thầm lặng vượt qua gian khổ, cần mẫn cả cuộc đời để nuôi con ăn học thành tài.
20 năm bán xôi nuôi con ăn học
Hình ảnh người phụ nữ gầy guộc ốm yếu, rất khó nhọc mới bước lên được bục danh dự để báo cáo tham luận điển hình khiến những người dự Đại hội gia đình hiếu học tiêu biểu TP. Buôn Ma Thuột lần thứ III-2012 không khỏi xúc động. Không ít người đã bật khóc khi biết về hoàn cảnh éo le của chị. Chồng mất sớm, lại mang trong mình căn bệnh hở van tim, bệnh thấp khớp, chị Dương Thị Thương ở đường Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột phải tần tảo sớm hôm kiếm tiền nuôi các con ăn học. Nhà cửa không có, chị mượn đất của Trường THCS Phạm Hồng Thái cất tạm một phòng để các con có chỗ ở. Sức khỏe yếu, nhưng hôm nào chị cũng lọ mọ dậy từ lúc nửa đêm để nấu xôi kịp bán vào mỗi buổi sáng. Những tưởng khốn khó cuộc đời đã dừng lại với người phụ nữ kém may mắn này, thì một tai nạn ập đến đã cướp đi của chị thêm một cái chân. Hơn 20 năm qua, chị gắn bó với nghề bán xôi và chưa nghỉ một ngày dù trời mưa hay nắng, thậm chí những tháng học sinh nghỉ hè ế ẩm bởi nếu ngày nào nghỉ bán đồng nghĩa với việc 3 đứa con không có cái ăn. Với suy nghĩ, cuộc đời mình quá khổ bởi không có cái chữ, nên dù ăn cháo, ở nhà tạm, chị Thương vẫn động viên các con chăm học, chăm làm, chỉ có học và phải chịu khó học giỏi thì mới hy vọng thoát nghèo. Không như nhiều bạn cùng trang lứa được bố mẹ cho học thêm, các con chị Thương tự học ở nhà, đứa lớn kèm cặp đứa nhỏ, lúc không học thì phụ mẹ bán xôi. Dường như ý thức được sự khốn khó của gia đình và thương mẹ cả 3 chị em đều chăm ngoan, học giỏi. “Con gái đầu Hồ Thị Tường Vi đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài chính-Kế toán, con thứ hai hiện đang học tại Trường Đại học Công nghiệp 4 TP. Hồ Chí Minh và con gái út là sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh”, chị Thương tâm sự.
Các gia đình vinh dự nhận Giấy chứng nhận gia đình hiếu học tiêu biểu của UBND TP. Buôn Ma Thuột. |
Các con lần lượt vào đại học bằng tiền bán xôi, nhưng niềm vui của chị Thương không thật trọn vẹn bởi sức khỏe của mỗi ngày một yếu mà chi phí học tập thì tăng cao. Dẫu cần mẫn với thúng xôi từ lúc nửa đêm cho đến gần hết buổi sáng hôm sau, nhưng mỗi tháng chị Thương cũng chỉ kiếm được khoảng 1 triệu đồng để gửi hết cho các con, còn bản thân mình từ tiền thuốc thang, sinh hoạt hằng ngày chị đều nhờ vào sự cưu mang, giúp đỡ của bà con lối xóm, các sơ dòng Vinh Sơn. “Năm 2009, chính quyền phường Thắng Lợi đã xây tặng gia đình căn nhà khang trang, Hội Khuyến học các cấp thường xuyên trao học bổng đã giúp gia đình vượt qua khó khăn, các cháu có thêm động lực phấn đấu học tập”, chị Thương xúc động nói.
Đổi vất vả lấy kiến thức
Người dân Buôn Ko Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) biết chị H’Ruih Êban không chỉ giỏi làm kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội mà còn tiêu biểu về nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Để nuôi 4 con lần lượt vào đại học vợ chồng chị H’Ruih Êban đã phải vượt qua nhiều gian khổ. “Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bố mẹ bồng tôi theo đấu tranh chính trị và họ đã hy sinh anh dũng tại Km 9, Quốc lộ 26, trước lúc hy sinh họ chỉ kịp trao tôi lại cho đồng bào buôn Ko Tam nhờ nuôi dưỡng. Khi ấy, tôi chỉ mới biết ngồi. Kinh tế của gia đình bố mẹ nuôi khó khăn, lại đông anh em nên tôi chỉ được theo học tới lớp 9. Nhìn các bạn cùng trang lứa ở trong buôn được tiếp tục học lên cao nhiều lúc cũng thấy chạnh lòng, nhưng nghĩ lại đời mình vẫn may mắn hơn nhiều người nên nén chặt nỗi buồn, ước mơ được đi học dồn hết cho các con. Vì vậy vợ chồng tôi vẫn thường bảo nhau rằng, dù phải đi làm cỏ thuê, gặt lúa mướn, thức khuya dậy sớm chạy chợ vẫn phải động viên các con học cái chữ”, chị H’Ruih Êban kể.
Diện tích đất canh tác ít, lại cằn cỗi nên để có đủ tiền nuôi các con ăn học, vợ chồng chị tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân các cấp tổ chức; đồng thời chủ động học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Nhờ đó năng suất cà phê được nâng lên, kinh tế gia đình dần ổn định, có điều kiện cho các con ăn học. Bên cạnh đó, nhờ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với con em dân tộc thiểu số, bốn người con được hỗ trợ một phần chi phí học tập, quyết tâm theo ước nguyện con chữ của bố mẹ. Hiện nay, con trai đầu Y Chương Êban tốt nghiệp ngành Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, con thứ hai Y Choi Êban tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán Trường Đại học Tây Nguyên, con thứ ba hiện đang là sinh viên năm thứ tư ngành Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh và con gái út H’Trinh vừa tốt nghiệp THPT. Không chỉ đầu tư cho các con ăn học đến nơi đến chốn, vợ chồng chị H’Ruih Êban còn sẵn lòng giúp các gia đình khó khăn trong buôn Ko Tam có thêm điều kiện lo cho con cái học hành. Chị tâm sự: “So với nhiều gia đình trong buôn mình chưa phải là hộ giàu, nhưng mình tự hào vì sự ham học, thành đạt của các con. Nếu như những năm 1990, trong nhà không có nổi một chỗ học đàng hoàng cho các con, thì giờ đây nhìn chúng tự tin, ổn định công việc, mình nghĩ là đã giàu hơn nhiều người. Gia đình mình rất vất vả để đổi cho con được kiến thức, mở mang tầm nhìn, nên dù chịu khổ mình vẫn thấy vui và sẽ làm nhiều hơn cho con được học chữ”.
“Của đầy non cũng không bằng cho con ba chữ”
Đó là suy nghĩ của ông Trần Văn Chính, phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột). May mắn hơn nhiều gia đình, vợ chồng ông có việc làm ổn định, nhưng đồng lương thời bao cấp eo hẹp nên cuộc sống rất chật vật. Vì vậy, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ông chạy xe ôm kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học. Dẫu bận bịu với công việc, vợ chồng ông Chính vẫn cố gắng dành thời gian quan tâm, chăm sóc, động viên các con học tập. Ông tâm sự: “Mình nghèo không có của cải để lại cho con, hơn nữa tài sản ăn riết rồi cũng hết, cái quý nhất là cho con kiến thức”. Biết được nỗi lo toan, vất vả của bố mẹ, các con của ông Chính tự giác bảo nhau học, giành thành tích cao để làm vui lòng bố mẹ. Đến nay 4 người con của ông đã tốt nghiệp đại học, không chỉ có việc làm ổn định mà còn giữ những cương vị chủ chốt tại nơi công tác. Không bằng lòng với những kết quả đạt được, họ đang tiếp tục học trên đại học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc, tự khẳng định năng lực. Trong đó cô con gái áp út Trần Thị Hoàng Quyên, sinh năm 1981, hiện là Trưởng Đài chuyển mạch di động Công ty Viễn thông Điện lực 3 Khu vực TP. Hồ Chí Minh khi học phổ thông Quyên đã rất “có duyên” với các giải học sinh giỏi. Liên tục 3 năm học tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (từ năm 1998 đến 2000), Quyên đạt giải học sinh giỏi toàn quốc môn Toán, cùng nhiều giải thưởng khác. Ở bậc đại học, Quyên tiếp tục giành thành tích cao trong học tập: tốt nghiệp loại giỏi Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông TP. Hồ Chí Minh; tốt nghiệp thạc sĩ Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và hiện đang học thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Năm nay bước qua tuổi 65 được nhìn các con khôn lớn, thành đạt ông Chính cảm thấy hạnh phúc và luôn mãn nguyện với quyết định đúng đắn của mình khi đầu tư cho các con ăn học. Song ông cũng nghiệm ra rằng cha mẹ chính là tấm gương sáng cho các con noi theo. Ngoài việc xây dựng cho gia đình một nếp sống lành mạnh, việc uốn nắn các con ý thức tự giác, xác định động cơ, mục đích học tập rõ ràng sẽ quyết định thành công cho tương lai.
“107 gia đình hiếu học tiêu biểu được UBND thành phố biểu dương tại Đại hội gia đình hiếu học tiêu biểu năm 2012 là những bức tranh vô cùng sống động về tinh thần vượt khó, sự hy sinh thầm lặng để nuôi con ăn học thành tài. Họ chính là những bông hoa giữa đời thường, góp phần tô thắm thêm truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam”, ông Trịnh Ổn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh khẳng định.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc