Multimedia Đọc Báo in

Thủ trưởng cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm sử dụng các khoản tài trợ

16:26, 13/09/2012

Sáng 13-9, Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi với các phóng viên báo chí về những vấn đề xung quanh thông tư 29 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ vừa ban hành ngày 10-9 .

Theo ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), phạm vi điều chỉnh của Thông tư 29 ở tất cả các bậc học với bốn nội dung chính là: nguyên tắc tài trợ, các hình thức tài trợ, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nhận tài trợ và của các cơ quan quản lý có liên quan.

Bốn nội dung này được thực hiện qua 11 điều của Thông tư với nguyên tắc chung: Tài trợ cho giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục; Các cơ sở giáo dục không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không quy định mức tài trợ cụ thể đối với các nhà tài trợ; Các nhà tài trợ không gắn điều kiện ràng buộc việc tài trợ với việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục; Việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch theo quy định của Nhà nước. Khuyến khích các nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị dạy - học với sự thỏa thuận và hướng dẫn của cơ sở giáo dục.

Hình thức tài trợ có thể bằng tiền hoặc hiện vật, riêng với việc tiếp nhận tài trợ bằng tiền mặt phải thông qua tài khoản tại kho bạc hoặc ngân hàng thương mại.

Với việc quản lý, sử dụng các khoản tài trợ, theo ông Bùi Hồng Quang, phải lập kế hoạch sử dụng, trong đó xác định rõ mục đích, đối tượng thụ hưởng, đặc biệt, kế hoạch này cần phải được công bố công khai....

Thông tư này cũng quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, sở GD-ĐT cũng như thủ trưởng cơ sở giáo dục, trong đó thủ trưởng các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục...

Trước băn khoăn của phóng viên liệu có giải quyết được vấn đề lạm thu sau khi ban hành văn bản này, ông Bùi Hồng Quang cho rằng, nguyên tắc xuyên suốt của tất cả các văn bản từ trước đến nay là tự nguyện. Nhưng tự nguyện như thế nào, các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục phải chỉ đạo giám sát. Cũng theo ông Quang, Bộ GD-ĐT đã ban hành hàng loạt các văn bản liên quan đến vấn đề thu chi trong nhà trường, đồng thời tiến hành thanh, kiểm tra.

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện thanh tra vấn đề này trong các cơ sở giáo dục, trong đó đặc biệt chú ý các tỉnh thành phố lớn, các địa chỉ mà báo chí nêu. Cách thức thanh kiểm tra cũng sẽ làm cụ thể, làm kỹ, kiểm tra đến từng lớp, gặp gỡ từng học sinh, phụ huynh...

NH (Nguồn GD&TĐ)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.