Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở

05:21, 09/10/2012

Sự vào cuộc của Đảng, chính quyền các cấp, sự đồng hành của các ban ngành đoàn thể, đặc biệt các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường được đầu tư xây dựng khang trang… đã  tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân từ thành thị đến nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 112/2005/QĐ-TTg ngày 31-5-2005, Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 21/CT-TU về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh”, tiếp đó UBND tỉnh có kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 12-1-2006 về triển khai Quyết định số 112 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 và Quyết định 31 về hỗ trợ kinh phí đối với Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) và mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ quản lý TTHTCĐ. Đến nay, mạng lưới TTHTCĐ đã phát triển rộng khắp tại hơn 95% xã, phường, thị trấn. TTHTCĐ là trường học được đưa đến tận những người dân, đặc biệt là đối tượng không có điều kiện học tại các trường chính quy và những người nghèo, những người trong các nhóm yếu thế có ít cơ hội được tiếp cận môi trường học thuật. 

Học sinh lớp bổ túc văn hóa THCS  tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Buôn Ma Thuột.
Học sinh lớp bổ túc văn hóa THCS tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Buôn Ma Thuột.

Huyện Krông Pak được biết đến là đơn vị điển hình về xây dựng xã hội học tập với 100% xã, thị trấn có TTHTCĐ. Năm học 2011-2012, các TTHTCĐ đã tổ chức xóa mù chữ cho hơn 130 người; bồi dưỡng kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế, xã hội... cho gần 5.000 cán bộ, người dân. Ông Trần Phố, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Krông Pak cho biết: “Nhận thức học tập suốt đời có ý nghĩa quan trọng nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm cho người học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Hội Khuyến học đã tập trung củng cố, phát triển tổ chức ở các thôn, buôn, tổ dân phố, trường học, doanh nghiệp nhằm huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cùng chăm lo cho sự nghiệp trồng người”. Điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài ở huyện Krông Pak là xây dựng và nhân rộng mô hình câu lạc bộ gia đình hiếu học, chi hội khuyến học tộc họ, hội đồng hương... Đến nay, toàn huyện đã có 36 dòng họ có hội khuyến học, 22 chi hội khuyến học đồng hương, 4 chi hội khuyến học tôn giáo, 19.789 gia đình hiếu học, trong đó có 8.219 gia đình được công nhận gia đình hiếu học cấp huyện. Hoạt động của Hội khuyến học đã phát huy vai trò của từng gia đình, họ tộc trong việc quản lý, giáo dục con cháu, tạo mối liên kết khăng khít giữa gia đình - nhà trường và xã hội. Nhờ đó chất lượng dạy và học được nâng lên, đặc biệt số học sinh bỏ học giảm mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Năm, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana cho biết, những năm qua huyện Krông Ana không chỉ đầu tư phát triển quy mô trường lớp học hệ chính quy mà còn tập trung mở rộng hệ thống TTHTCĐ tại các xã, thị trấn. Các TTHTCĐ được xây dựng khang trang, đầu tư trang thiết bị đầy đủ, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả các chương trình giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xã hội hóa giáo dục và nâng cao ý thức học tập không ngừng của người dân. Riêng trong năm học 2011-2012, các TTHTCĐ ở huyện Krông Ana đã tổ chức được 7 lớp phổ cập THCS, xóa mù chữ và sau xóa mù chữ cho gần 140 học viên; phối hợp với các đơn vị chức năng, các tổ chức đoàn thể mở 7 chuyên đề chuyển giao khoa học công nghệ, kiến thức văn hóa, đời sống sức khỏe, môi trường, 3 lớp sửa chữa xe máy, xây dựng cơ bản cho hàng trăm học viên…  

Hiện nay, học tập là một nhu cầu cấp thiết để mỗi cá nhân thích nghi với sự phát triển toàn diện của xã hội và cũng để khẳng định giá trị nhân văn trong xu thế toàn cầu hóa. Vì vậy, các cấp ủy Đảng và chính quyền cần quan tâm đầu tư thích đáng cho giáo dục đào tạo, tạo môi trường giáo dục lành  mạnh, nhiều cơ hội học tập cho mọi người. Khái niệm “học tập” phải được hiểu theo hướng “mở”, nghĩa là học tập không chỉ diễn ra trong lớp chính khóa, trong các trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng mà còn được tổ chức ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và với bất kỳ đối tượng nào. Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời  là dịp để các cơ quan, ban ngành liên quan cùng nhau tổ chức, thực hiện các hoạt động thiết thực nhằm mang lại cơ hội học tập cho mọi người, bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

 Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.