Biết lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ - phẩm chất cần thiết của người giáo viên
Đối với sự nghiệp “trồng người”, người thầy mang trọng trách vô cùng lớn lao trong việc giáo dục người học trở thành con người chân chính, có ích cho xã hội. Do vậy, người thầy trước hết phải có phẩm cách, lòng yêu nghề và đặc biệt là phải có lương tâm, trách nhiệm với nghề nghiệp, là tấm gương sáng, giàu sức thuyết phục để thế hệ trẻ noi theo. Muốn vậy, người thầy phải luôn lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với các em.
Đây là những yếu tố quan trọng không thể thiếu đối với mỗi giáo viên; việc luôn lắng nghe, thấu hiểu và biết chia sẻ với học sinh thể hiện thái độ chân thành, cởi mở và tôn trọng của người thầy với các em. Người giáo viên biết lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với học sinh thể hiện ngay trong các giờ dạy học trên lớp. Chẳng hạn, trong một giờ học, thầy cứ “độc diễn” gần như từ đầu đến cuối, ít hoặc thậm chí không chú ý xem học sinh có chăm chú nghe hay không...; hoặc khi yêu cầu học sinh phát biểu xây dựng bài, thầy thường hỏi những câu dồn dập, đặt ra những câu hỏi khó khiến học sinh lúng túng, bị áp lực khi trả lời; thường nhận xét cách trả lời của học sinh như: “Sai rồi, ngồi xuống, thầy mời em khác nào”, “Em có nghe rõ câu hỏi của thầy không mà trả lời thế hả?”, “Không chú ý gì hết, ngồi xuống, em khác nào”… Những phương pháp và câu nhận xét như vậy sẽ khiến học sinh cảm thấy câu trả lời của các em không phải là điều thầy mong đợi, làm cho các em thất vọng, xấu hổ trước bạn bè và lần sau sẽ ngại không dám phát biểu nữa. Từ đó, dễ làm cho học sinh mất hứng thú trong giờ học. Thay vì những lời nhận xét thiếu động viên, chia sẻ như thế, người giáo viên trước hết phải đặt vào tâm thế của học sinh để thấu hiểu, từ đó đưa ra những nhận xét, hoặc sự chia sẻ tích cực như: “Ý kiến của em hay và sáng tạo đấy, có phải em vừa nghĩ ra không?”, “Câu trả lời của em gần đúng rồi, em có thể ngồi xuống suy nghĩ thêm nhé, em nào có thể giúp bạn nào?”, “Thầy nhận thấy ý kiến của em rất mới mẻ”, “Em có muốn giải thích thêm gì không?”… Với cách nói như vậy, giáo viên sẽ giúp học sinh không bị mặc cảm, e ngại vì mình trả lời chưa thật chính xác, mà luôn cảm thấy câu trả lời của mình được thầy cô giáo và các bạn tôn trọng, mong đợi, lắng nghe và thấu hiểu. Từ đó, vào những lần sau, các em sẽ mạnh dạn, tin tưởng và mong muốn chia sẻ ý kiến của mình trước cả lớp hơn.
Người giáo viên khi biết lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ sẽ có điều kiện tìm hiểu tâm lý, tính cách của từng em học sinh, từ đó có thể tổ chức những phương pháp giảng dạy phù hợp. Hoạt động này không chỉ tiến hành trong giờ học mà có thể tiến hành cả trong giờ ra chơi, sinh hoạt, liên hoan văn nghệ... Thực hiện tốt việc lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, người giáo viên sẽ chiếm được cảm tình và sự tin yêu của học sinh.
Thực tế cho thấy, nếu người thầy tạo ra khoảng cách, thiếu quan tâm, chia sẻ cũng như lắng nghe tâm tư tình cảm, thắc mắc của các em thì học sinh rất dễ xa lánh, mặc cảm và tự ti khi giao tiếp. Ngược lại, người thầy luôn biết quan tâm, lắng nghe, và chia sẻ thì các em sẽ coi thầy cô giáo như cha mẹ, anh chị để tâm sự, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống đời thường… Khi hiểu rõ nguyên nhân, hoàn cảnh, những khó khăn của học sinh, người thầy sẽ xử lý tình huống đúng cách, biết cần làm gì và làm như thế nào để giúp học sinh tiến bộ. Biết lắng nghe, biết chia sẻ chỉ là một trong nhiều việc làm thể hiện phẩm chất tốt đẹp của một nhà giáo. Phẩm chất này chính là cơ sở, nền tảng để người thầy hoàn thành trọng trách trong sự nghiệp “trồng người”.
Lương Hà
Ý kiến bạn đọc