Multimedia Đọc Báo in

Cháy mãi ngọn lửa yêu nghề

08:02, 27/11/2012

“Nếu phải chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo bởi tin rằng yêu nghề sẽ được nghề yêu” đó là chia sẻ của cô Võ Đăng Mỹ Hảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Drak), người vừa  được ra Hà Nội tham dự Hội nghị gặp mặt, biểu dương các nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại vùng sâu, vùng  xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Hạnh phúc nhỏ nhoi

 Thấm thoát đã 22 năm trôi qua kể từ ngày cô giáo Võ Đăng Mỹ Hảo rời chốn quê nhà nơi cố đô Huế đến với mảnh đất M’Drak xa xôi, nghèo khó để được theo đuổi nghề sư phạm bất chấp sự không hài lòng của gia đình nhà chồng và những lời can ngăn của bạn bè. “Tôi chỉ biết tên địa danh Dak Lak, chưa một lần đến hay có bất cứ người thân nào trong nớ. Năm 1990, tốt nghiệp chuyên ngành Hóa Trường Đại học Sư phạm Huế, trong thời gian chờ xin việc làm thì có một người quen ở huyện M’Drak về quê thăm gia đình và rủ vô nớ lập nghiệp, tôi đồng ý ngay với suy nghĩ mình còn trẻ thì có thể đi bất cứ nơi đâu miễn là thực hiện được hoài bão”, cô Hảo bộc bạch. Mặc dù xác định tâm thế lên vùng cao công tác, nhưng vợ chồng cô Hảo không ngờ nơi mình đến cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột gần 100 km, nhà tập thể sập sệ, dột nát, nước sinh hoạt khan hiếm, điện thắp sáng không có. Lương giáo viên ba cọc ba đồng, để phần nào giảm bớt khó khăn lúc bấy giờ, ngoài thời gian đứng lớp mỗi tuần 2 tiết (Trường Phổ thông cấp 3 M’Drak thời điểm ấy chỉ có 3 lớp với hơn 80 học sinh), cô Hảo tranh thủ cuốc những vạt cỏ tranh quanh trường trồng thêm đậu, bắp, nuôi gà, vịt. Không hẹn nhưng cứ đến sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, hơn 10 thầy, cô giáo ở tập thể lại rủ nhau ra suối bắt hến, bắt cua để tăng thêm chất “đạm” cho bữa ăn.

Tuy nhiên, những khó khăn của giáo viên có lẽ chẳng thấm vào đâu so với những vất vả của học sinh. Hồi ấy huyện M’Drak chỉ có duy nhất 1 trường THPT, nhiều em học sinh nhà ở cách xa trường hàng chục ki-lô-mét nên phải ở tập thể; có em nhà ở tận Nông trường C (xã Ea M’đoan) cuối tuần về thăm nhà nhưng đầu tuần vẫn chưa ra đi học. Sau nhiều lần gặng hỏi, học sinh ấy mới rụt rè nói: Nhà nghèo, nên phải tranh thủ những ngày nghỉ đi làm thêm lấy tiền mua gạo, cá khô để ra ăn đi học tiếp”. Thương các em học sinh ăn không đủ no, chỉ phong phanh manh áo mỏng bạc phếch, nhưng đời sống giáo viên lúc ấy cũng chẳng khá hơn. Do ăn uống kham khổ, thiếu thốn nên dường như học sinh nào cũng còm nhom không đủ sức khỏe chống chọi với bệnh sốt rét kinh niên. Nhiều em đang học bỗng lên cơn sốt và ngã gục xuống bàn, cô Hảo và các bạn cùng lớp nấu cháo, chăm sóc các em như một người chị, người mẹ. Chồng cô Hảo là bác sĩ nên rất sẵn lòng điều trị miễn phí cho học sinh. Có những học sinh nhà nghèo, học không tốt nên tự ti, mặc cảm định nghỉ học, nhưng sau khi nghe cô Hảo động viên, giải thích đã quyết tâm theo đuổi con chữ. Năm 1994, lớp học do cô Hảo chủ nhiệm có 1 em thi đỗ đại học và cũng là học sinh đầu tiên của Trường Phổ thông cấp 3 M’Drak bước chân vào giảng đường đại học. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi này đã chắp cánh cho cô Hảo có thêm động lực gắn bó lâu dài với đất và người nơi đây thay vì sau mấy năm công tác tại trường này, cô sẽ được chuyển đến một ngôi trường khác thuận lợi hơn.

Đồng chí Phạm  Vũ Luận,  Bộ trưởng Bộ GD-ĐT  trao  Bằng khen tặng  cô giáo  Mỹ Hảo (người thứ hai từ trái sang).
Đồng chí Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trao Bằng khen tặng cô giáo Mỹ Hảo (người thứ hai từ trái sang).

Như cánh chim không mỏi

Vinh dự là một trong ba giáo viên tiêu biểu của tỉnh được Sở GD-ĐT chọn ra Hà Nội tham dự buổi gặp mặt, biểu dương nữ nhà giáo tiêu biểu công tác tại biên giới hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn trên mọi miền của tổ quốc, cô giáo Hảo chia sẻ: “Từ khi chọn nghề sư phạm, dù đứng trên bục giảng hay làm quản lý, tôi chỉ tâm niệm làm hết khả năng và cố gắng làm cho tốt”. Không lo lắng, thất vọng trước những khó khăn, trái lại cô Hảo bắt đầu công việc nơi vùng quê mới với niềm say mê, tràn đầy tình yêu thương bởi theo cô sự lạc quan là “liều thuốc” hữu hiệu nhất để vượt qua. Suy nghĩ này được cô Hảo truyền thụ cho học sinh thông qua những giờ lên lớp, cách xử lý tình huống trong quá trình giảng dạy, quản lý. Môn Hóa học vốn dĩ khô khan, không ít học sinh cảm thấy ngợp, nhưng với cách dạy “tránh gây tâm lý căng thẳng”, đặc biệt là lấy những ví dụ minh họa gần gũi trong đời sống phân tích cho các em thấy rõ lợi ích của những kiến thức được học, từ đó giúp học sinh nhanh chóng hiểu bài, yêu khoa học, thích khám phá những điều mới mẻ xung quanh mình. Theo cô giáo Hảo, môn học nào cũng rất quan trọng, nhưng môn Hóa học đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác do đó một khi các em đã yêu thích, say mê môn học này sẽ giúp các em dần có được đức tính trên. Song điều làm cô giáo Hảo trăn trở là chất lượng tuyển sinh đầu vào của trường thấp, ý thức và năng lực học tập của một bộ phận học sinh không cao, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Với quyết tâm vượt qua khó khăn, từ những năm 90, cô Hảo và một đồng nghiệp trong trường đã đứng ra dạy mẫu vào các buổi tối suốt nhiều năm liền giúp giáo viên có thêm kinh nghiệm giảng dạy. Không dừng lại ở đó, cô Hảo còn mạnh dạn đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng, triển khai nhiều giải pháp phù hợp, linh động như tổ chức hội thảo chuyên đề về giảng dạy, về công tác chủ nhiệm theo hướng đổi mới phương pháp dạy học; làm đồ dùng dạy học, viết sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Bằng sự kiên trì và niềm đam mê cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đến nay cơ bản đội ngũ giáo viên của Trường THPT Nguyễn Tất Thành đạt trình độ chuẩn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Hơn 20 năm giảng dạy, cô giáo Hảo liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Giáo viên dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua, vinh dự được UBND tỉnh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng nhiều Bằng khen…Điều đáng trân trọng ở cô giáo Hảo, hiện nay dẫu rất bận với công tác quản lý, cô vẫn miệt mài nghiên cứu, bổ sung các sáng kiến kinh nghiệm mà mình đã áp dụng để chia sẻ với đồng nghiệp, với mong muốn làm thế nào một trường học ở miền núi, thuận lợi ít, khó khăn còn nhiều nhưng theo kịp với yêu cầu, sự phát triển của Ngành.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc