Dạy học trò bằng cả cái tâm
Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học ngành Hán Nôm, Đại học Khoa học Huế. Lúc đó tất cả sinh viên chúng tôi đều chưa biết gì về chữ Hán Nôm cả, vậy mà đứa nào cũng háo hức chờ đợi để được học môn chuyên ngành của mình. Tôi may mắn vì được các anh chị khóa trước cho học lỏm được vài hôm với một thầy giáo già, người mà sau này và mãi mãi tôi luôn nhớ về thầy với lòng biết ơn vô hạn, thầy giáo - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thảng.
Bước vào tuổi xưa nay hiếm, khi ấy ở tuổi 77, thầy vẫn còn khỏe mạnh và đôi mắt tinh tường lúc đọc văn bản Hán Nôm được bày la liệt trên bàn làm việc. Trong suốt 4 năm chúng tôi học đại học, là cả từng ấy năm tôi gặp thầy ở căn phòng chung cư của khu Đại học Huế - một căn phòng nhỏ nhưng ấm áp tình thầy trò. Lúc đó tôi là sinh viên năm nhất, vì thích học chữ mà tôi đến xin thầy dạy kèm ở nhà thầy. Thầy hỏi tôi tại sao lại chọn chữ Hán, rồi thầy bảo học chữ Hán, vừa khó, vừa khô khan, vừa khổ. Quả thật, khi đó, tôi chẳng hiểu những điều thầy nói, sau này khi bắt tay vào học từng nét chữ một, tôi mới cảm thấy thấm thía lời thầy.
Bài học “vỡ lòng” về chữ Hán mà thầy dạy cho tôi là chữ “tâm”. Thầy truyền đạt phương pháp nhớ chữ tâm là một câu thơ “một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời”, rồi thầy giảng giải ý nghĩa của chữ “tâm” là tấm lòng, là trái tim, cao hơn nữa là tấm lòng nhân ái của con người với con người, tâm là cái suy nghĩ phát ra từ đáy lòng mình... Bài học đầu tiên, chữ “tâm” cũng chính là thầy đã “khai tâm” cho tôi những khái niệm đầu tiên của việc học chữ Hán.
Thầy viết chữ Hán rất đẹp, nét chữ như phượng múa rồng bay, nhất là những bức thư pháp đẹp nổi tiếng của thầy, viết ngàn chữ như một. Chữ chân, chữ thảo, chữ khải thầy đều viết đẹp, có rất nhiều người xin chữ của thầy. Khi tôi còn học ở nhà thầy, đã biết bao lần theo thầy học cách pha chế mực, cách rửa lông bút mỗi khi viết chữ xong. Thầy bảo, viết chữ Hán cũng cần phải kiên trì tập luyện, phải tạo cho mình thú đam mê từ viết chữ.
Những bài học về Hán văn mà tôi được thầy dạy từ những bài học về đạo lý làm người, hiếu đễ với anh em, ông bà, cha mẹ, đến những bài học lịch sử Việt Nam… đều được chú giải cặn kẽ, căn nguyên. Tôi nhớ như in một lần đi học mà chưa chép và học thuộc bài thầy giảng. Khi thầy kiểm tra bài cũ, tôi chẳng thuộc bài, thầy không trách mắng mà lại tiếp tục giảng cho tôi về bài “khuyến học”; trong đó, từng câu từng chữ đều nói về việc học và liên quan đến việc chuyên cần học hành. Cách thầy dạy học trò tuy nghiêm khắc mà dễ gần, lấy tâm để khai tâm. Và cách dạy ấy đã theo tôi trong suốt những năm tôi đi dạy học, cũng nối nghiệp của thầy làm ông đồ trẻ. Từ khi được thầy khai tâm, tôi càng đam mê học chữ Hán nhiều hơn. Biết được tôi như vậy, thầy mừng lắm, rồi thầy cho tôi sách, bút, mực để tôi viết chữ, thậm chí đến cả sách quý của mình thầy cũng cho tôi. Những tài liệu ấy tôi vẫn luôn gìn giữ, mỗi lần nhìn đến lại nhớ về thầy, như nhớ về người ông mà tôi hay gọi thầy như vậy ngoài những giờ học.
Tôi may mắn được thầy tặng cho nhiều chữ, nhưng tôi thích nhất là chữ “tâm” thầy viết theo lối chữ đại tự. Chữ “tâm” ấy đến nay đã theo tôi hơn 10 năm rồi và đó cũng là chữ Hán cuối cùng thầy viết và giảng ý nghĩa cho tôi, trước khi tôi từ giã giảng đường.
Thế hệ chúng tôi là lứa học trò cuối cùng được thầy chỉ bảo dạy dỗ, cũng là lứa học trò cuối cùng của cuộc đời dạy học của thầy. Nhưng có biết bao lớp lớp học trò vẫn luôn nhớ về thầy - người thầy đáng kính dạy học trò bằng cả cái tâm trong sáng của mình.
Nguyễn Huy Khuyến
Ý kiến bạn đọc