Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục học sinh về văn hóa truyền thống dân tộc và kiến thức xã hội...

07:50, 27/11/2012

Cùng với chương trình nội khóa, những năm gần đây, Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Ea H’leo đã có nhiều hoạt động ngoại khóa thiết thực, sáng tạo nhằm giáo dục, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và kiến thức về xã hội cho học sinh.

Phụ huynh đua tài giới thiệu ẩm thực

Hai năm trở lại đây, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) đã trở thành ngày hội sôi động của Trường PTDTNT huyện Ea H’leo. Cùng với những điệu dân ca, dân vũ đậm đà bản sắc văn hóa vùng miền do các em học sinh biểu diễn để chúc mừng thầy, cô giáo là giao lưu văn hóa ẩm thực các dân tộc do Ban đại diện cha, mẹ học sinh các lớp phối hợp tổ chức. Năm nay có 158 phụ huynh thuộc 7 dân tộc thiểu số được phân thành 4 nhóm Êđê, Jrai, Nùng và Tày, Thái, Mường, Dao để đua tài chế biến các món ăn truyền thống. Ông K’Sor Duyên, phụ huynh em Nay H’Thảo lớp 6, “đầu bếp của nhóm dân tộc Jarai” cho biết, người Jrai có rất nhiều món ăn ưa thích như: lá mì, cà đắng (hla blang, krong phi); thịt nướng (a nham ơm); thịt trộn tiết canh (nham phí); lòng đắng (nham vech); thịt nướng lồ ô (nham đing); chuột đồng nướng (kuih glai); cháo đặc (nham pung); cơm lam (koch đing); cà sóc (boh hung tul); canh lá ớt (nham hla hăng); thịt  “thối” (nham bruk)… Tuy nhiên, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng 26 phụ huynh trong nhóm thống nhất nấu 3 món: thịt bò nướng lồ ô, canh cà đắng và lá mì xào thịt heo. Để làm các món ăn này, các thành viên trong nhóm phân thành 3 tổ chuẩn bị nguyên vật liệu: ống nứa, lá mì, cà đắng…Còn anh Nguyễn Khánh Phương, phụ huynh em Nguyễn Thị Ánh Nguyệt học sinh lớp 9 “đầu bếp” nhóm dân tộc Tày cho biết: “Từ lâu đồng bào Tày thường lấy thảo mộc tự nhiên để làm hương liệu chế biến các món ăn, tạo nên vị thơm đặc biệt. Người Tày giản dị, không mâm cao cỗ đầy, coi việc ăn uống không quan trọng bằng không khí đầm ấm, tình cảm nồng nàn được thể hiện trong không gian ẩm thực. Vì vậy cả nhóm quyết định nấu món xôi ngũ sắc, heo quay và hoa đu đủ đực xào thịt. Việc chuẩn bị nguyên liệu cũng mất khá nhiều thời gian, nhất là hoa đu đủ đực các thành viên phải chia nhau rong ruổi khắp thôn, buôn để tìm mà chỉ có được 10 kg. Tuy vất vả nhưng các bậc phụ huynh cảm thấy vui và tự hào khi được tự tay chế biến và giới thiệu về các món ăn truyền thống của dân tộc mình đến các thầy, cô giáo và học sinh toàn trường.

Đại diện nhóm dân tộc Tày giới thiệu về các món ăn truyền thống.
Đại diện nhóm dân tộc Tày giới thiệu về các món ăn truyền thống.

Nhóm phụ huynh Êđê và Nùng cũng cố gắng chọn những món ăn truyền thống đặc sắc nhất để khoe tài. Đó là cơm lam, canh cà đắng, lá mì xào thịt của người Êđê; vịt quay lá mắc mật, đậu khuôn nhồi thịt đặc sản của người Nùng… Người Êđê thường trồng cây mì trong vườn, cách chế biến món ăn này hết sức đơn giản nhưng rất phổ thông được nhiều người ưa thích. Lấy lá mì non bỏ cuống, giã nhỏ hay vò bằng tay thật nhuyễn sau đó xào chung với thịt (heo hoặc gà), món ăn này thường dùng trong các bữa cơm và là đặc sản của người Êđê khi ngồi bên ché rượu cần. Trước đây, khi muối còn khan hiếm, đồng bào Êđê thường lấy tro của cây đa hòa với nước và nhỏ từng giọt vào lá mì cho bớt đắng…

... Giáo dục văn hóa truyền thống và kiến thức về xã hội

Trường PTDTNT huyện Ea H’leo thường xuyên tổ chức chương trình văn nghệ, các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa, trang phục các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn cho học sinh. Đặc biệt, hai năm trở lại đây Ban Giám hiệu nhà trường đã tranh thủ sự đồng tình của phụ huynh để phối hợp tổ chức chương trình giao lưu văn hóa ẩm thực các dân tộc. Không chỉ giới thiệu với bạn bè về các món ăn truyền thống của dân tộc mình, đại diện các nhóm còn giới thiệu về quá trình chuẩn bị nguyên vật liệu, cách thức chế biến và công dụng của từng món ăn, qua đó giúp cán bộ, giáo viên, đặc biệt là các em học sinh hiểu hơn về văn hóa ẩm thực riêng biệt của mỗi dân tộc. Không dừng lại ở đó qua chương trình giao lưu này, học sinh còn được cung cấp những kiến thức cơ bản về địa lý, lịch sử, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương; hiểu biết cặn kẽ hơn bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc thiểu số trên quê hương, xứ sở mình đang sinh sống. Trước đó, nhà trường đã phát động toàn thể học sinh tham gia cuộc thi tìm hiểu về quy trình làm rượu cần. Các em rất hào hứng với cuộc thi này, nhiều em đã đầu tư công sức cho bài viết thể hiện sự am hiểu về cách làm, cách thưởng thức, bí quyết để ủ rượu cần ngon… Bên cạnh đó, để góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, nhà trường quy định học sinh phải mặc trang phục truyền thống vào ngày thứ Hai hằng tuần và khuyến khích mặc vào các ngày lễ, Tết để các em thêm tự hào, hãnh diện về nét đẹp riêng của mình. Duyên dáng, nhã nhặn trong những bộ trang phục truyền thống, các em H’Ngọc Niê (dân tộc Êđê), Nay H’Siêm (dân tộc Jrai), Nguyễn Thị Kiều My (dân tộc Tày) đều là học sinh lớp 8 của Trường nói: “Cũng là rượu cần nhưng mỗi dân tộc lại có một cách ủ cơm và dùng một loại men khác nhau. Chưa hết, cũng là lá cây mỳ nhưng người Êđê có cách chế biến món ăn khác với người Jrai”…

Một điều đặc biệt mặc dù đang là ngày mùa bận rộn, đường sá đi lại khó khăn nhưng khi tổ chức chương trình giao lưu văn hóa ẩm thực các dân tộc thì  đông đảo phụ huynh nhiệt tình tham gia với hy vọng cùng góp sức giúp con em mình hiểu biết nhiều hơn. “Trong khi kinh phí dành cho hoạt động giáo dục đặc thù học sinh dân tộc thiểu số còn eo hẹp thì việc tranh thủ sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng vào các hoạt động giáo dục ngoại khóa không chỉ giúp học sinh hiểu biết thêm về văn hóa dân tộc, kiến thức tự nhiên, xã hội… mà còn là cầu nối thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc cùng học tập dưới mái nhà chung”, cô Lương Thị Mai, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Ea H’leo thổ lộ .

 Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.