Multimedia Đọc Báo in

Khắc khoải đợi ngày đi dạy

13:07, 25/11/2012

Theo thường lệ sau ngày tốt nghiệp, nhiều sinh viên sư phạm lại chuẩn bị hồ sơ để xin đi dạy, nhưng năm nay, Sở Giáo dục – Đào tạo vẫn chưa đưa ra thông báo tuyển dụng cụ thể. Trước tình hình đó, nhiều sinh viên (kể cả mới tốt nghiệp cũng như đã tốt nghiệp những năm về trước) không khỏi mang tâm lý phấp phỏng, lo lắng cho con đường sự nghiệp phía trước của mình.

Bạn Vy Thị Kim Duyên, tốt nghiệp loại giỏi ngành Sư phạm Sinh năm 2012 của Trường Đại học Tây Nguyên tâm sự: “Em mới tốt nghiệp hồi tháng 6 vừa qua, định cầm hồ sơ để xin việc nhưng đến nay chưa thấy thông báo của Sở Giáo dục – Đào tạo. Em đã tự liên hệ với một số trường học để xin dạy hợp đồng mà không có, vì thế đành phải về nhà giúp bố mẹ hái cà phê và làm ruộng”.

Sinh viên sư phạm đang đứng trước nhiều khó khăn khi xin việc.
Sinh viên sư phạm đang đứng trước nhiều khó khăn khi xin việc.

Cùng với tâm trạng trên, nhiều sinh viên đã tốt nghiệp những năm về trước cũng đã “gõ cửa” hết cơ sở giáo dục này, đến cơ sở giáo dục khác để mong muốn tìm được việc làm. Chị Phạm Thị Yến mặc dù tốt nghiệp loại khá ngành Sư phạm Anh văn tại Trường Đại học Tây Nguyên khóa 2004 nhưng khi đi xin việc, chị chỉ nhận được những cái lắc đầu, vì các trường không thiếu hoặc đã thừa giáo viên. Hay trường hợp của chị Nguyễn Lan Phương (nhà ở xã Ea Phê, huyện Krông Pak) là sinh viên Sư phạm Hóa Trường Đại học Đà Lạt. Sau 2 năm tốt nghiệp, chị phải ở nhà buôn bán cùng gia đình vì chưa được phân công đi dạy. Sau đó, chị đã quyết định đi bán hàng ở một cửa hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Chị Phương tâm sự: “Gia đình đầu tư cho ăn học 4 năm trời, tốn kém nhiều tiền bạc và công sức. Mình còn may mắn xin được công việc này; tuy không đúng với chuyên môn được đào tạo, nhưng học xong mà lại ngồi “ăn bám” cha mẹ thì không đành…”.

Đối với nhiều sinh viên sau khi ra trường, ai cũng mong muốn xin được việc làm, vậy nên khoảng thời gian chờ đợi ở nhà là thời gian căng thẳng và áp lực nhất. Chính vì thế, phần lớn sinh viên ngành sư phạm sau khi ra trường đều kiếm tìm cho bản thân một lối đi riêng, có thể là tiếp tục học lên cao hoặc làm trái nghề vì không thể chờ đến lúc được một trường nào đó nhận vào, số còn lại thì khắc khoải chờ đợi ngành Giáo dục phân công dù biết rằng hy vọng rất mong manh.

Ở Dak Lak, theo thống kê sơ bộ, hằng năm có hàng trăm sinh viên sư phạm ra trường. Trong đó, số lượng sinh viên của các trường đại học chiếm tỷ lệ cao nhất. Chỉ tính riêng ở Trường Đại học Tây Nguyên, hằng năm đầu vào của sinh viên ngành sư phạm khoảng gần 900 sinh viên, đầu ra khoảng gần 600 sinh viên. Trong khi đó chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên của các cơ sở giáo dục chỉ mang tính “nhỏ giọt”. Chỉ tính trong năm 2011, nhu cầu tuyển dụng giáo viên THPT của tỉnh ta là rất ít, khoảng vài trăm giáo viên, tuy nhiên số lượng hồ sơ nộp vào dự tuyển đã hơn 1.000 hồ sơ. Phần lớn lượng giáo viên còn thiếu thuộc các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng đối với các môn Khoa học xã hội là rất hạn chế, bởi hầu hết các trường học hiện nay đều đã đủ giáo viên, thậm chí có nơi còn thừa. Tình trạng thiếu - thừa giáo viên diễn ra liên  tục trong những năm gần đây cho thấy việc đào tạo sinh viên sư phạm ở tỉnh ta phải chăng chưa đáp ứng đúng nhu cầu thực tế? Mặc dù mấy năm trở lại đây chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm có chiều hướng giảm đáng kể, nhưng lượng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo ngày càng nhiều.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các ngành chức năng nhất là ngành Giáo dục cần phải đưa ra những quy hoạch cụ thể trong việc tuyển dụng, sử dụng và đào tạo đội ngũ giáo viên. Những ngành nào thiếu thì tăng cường đào tạo, ngành nào thừa thì hạn chế bớt, hoặc có những phương án điều tiết hợp lý. Việc đào tạo tràn lan như hiện nay đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, “cung vượt cầu”; đồng thời gây lãng phí về thời gian, tiền bạc cũng như nguồn nhân lực cho xã hội.

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc