Multimedia Đọc Báo in

Nếu thời gian quay ngược...

13:29, 27/11/2012

Mỗi lần, nhìn các cô cậu học trò tung tăng giữa phố phường cầm hoa đến tặng thầy cô trong ngày vui của nhà giáo, bất chợt tôi lại bồi hồi nhớ về một thời áo trắng sân trường…

Ngày đó, đã xa lắm rồi khi tôi vẫn còn là một cậu bé con. Cô giáo của tôi thời tiểu học vừa mới được tăng cường từ Bắc vào miền Trung sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình. Cô ân cần dạy bảo chúng tôi từ từng nét chữ cho đến cách đọc câu văn sao cho đúng với từng dấu hỏi, dấu ngã. Giọng đọc rất truyền cảm của cô đã giúp đám học trò nghèo vùng quê như chúng tôi cảm nhận được cái hay, cái đẹp ẩn chứa đằng sau từng câu thơ, đoạn văn trong sách giáo khoa. Đã bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ mãi về cô giáo thời tiểu học vì đó là người thầy đầu tiên đã dạy cho mình biết sự giàu đẹp và hấp dẫn của tiếng Việt.

Khi lên cấp ba (bây giờ gọi là trung học phổ thông), tôi may mắn được học những thầy cô giáo vừa hiền từ vừa nghiêm nghị và cả cách dạy đầy cuốn hút khiến chúng tôi mê say theo từng tiết học. Thời đi học hầu như ai mà chẳng… sợ môn toán. Thế mà với những cô cậu học trò nghịch ngợm như chúng tôi cứ đến giờ toán cả lớp vừa sợ vừa thích thú bởi cách dạy sinh động và lôi cuốn của thầy. Có những bài toán rất hóc búa nhưng qua cách phân tích, giảng giải của thầy bỗng trở thành dễ hiểu (nhưng không phải dễ làm nếu không chăm chú lắng nghe lời thầy giảng). Vì thế, nhiều khi giờ học môn toán trôi qua nhẹ nhàng lúc nào cả lớp không hề hay biết.

Các cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Huế trong ngày hội trường. Ảnh: Văn Lệ
Các cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Huế trong ngày hội trường. Ảnh: Văn Lệ

Thầy giáo dạy toán như vậy, thầy dạy môn văn lại càng khiến chúng tôi mê say. Tôi cứ nhớ mãi một buổi chiều cuối năm, cả lớp lặng phắc như nuốt lấy từng lời khi nghe thầy đang bình giảng Truyện Kiều, đến đoạn Thúy Kiều theo tiếng gọi của tình yêu “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” thì bỗng nhiên mất điện. Thầy chợt ngừng lời, bảo: “Thôi, trời sắp tối rồi, mai chúng ta học tiếp”. Nghe thế, cả lớp nhao nhao: “Thầy cứ giảng tiếp đi thầy ơi! Chúng em vẫn muốn nghe và ghi bài được mà!”... Mãi đến tận sau này tôi mới thấu hiểu được rằng đó là những lời tỏ bày tha thiết của các cô cậu học trò mà không phải người thầy nào cũng có hạnh phúc được một lần nghe như vậy.

Với tôi, những năm tháng sinh viên là quãng đời đáng nhớ nhất dù giờ đây nó ngỡ như đã xa mờ trong tâm tưởng. Ngày ấy, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, thi đỗ vào khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế (giờ đổi tên thành Đại học Khoa học Huế) được coi như là một “kỳ tích” đáng tự hào. Tôi không hề nói quá. Bởi vì thời đó, cứ đến mùa thi đại học, thí sinh của cả dải đất miền Trung – Tây Nguyên nườm nượp đổ về cố đô ứng thí, nhưng chỉ có khoảng hai mươi mấy con người may mắn trở thành tân sinh viên khoa Văn. Thậm chí, có nhiều tỉnh không có một học sinh nào được lọt vào khoa Văn Tổng hợp Huế.

Cuộc “vượt vũ môn” vào giảng đường Đại học Tổng hợp Huế khắt khe là vậy, và tất nhiên chuyện học hành cũng là vậy! Những cô cậu sinh viên chúng tôi dù rất kiêu hãnh khi được vào ngôi trường mà bao người mơ ước nhưng cũng vẫn bất ngờ pha lẫn âu lo vì khi vào học thì mới biết thế nào là… Tổng hợp!  Các thầy cô không dạy chúng tôi theo cách thông thường là đọc – chép mà truyền dạy phương pháp luận và cách tư duy thiên về nghiên cứu, sinh viên tự học là chính.

Ngày ấy, giữa mùa đông xứ Huế, đám sinh viên chúng tôi thâu đêm không ngủ, bụng đói cồn cào trong cái lạnh buốt tê, cả khu nội trú của ký túc xá im ắng và sáng đèn trắng đêm vì đang giữa mùa thi. Thời đó, không hề có chuyện “xin điểm” như bây giờ. Anh chàng nào học hành hơi chểnh mảng thì ngay lập tức nhận lãnh “kết cục thương đau” là phải thi lại, thậm chí bị lưu ban mà không hề dám kêu than vì chỉ còn biết tự trách mình! Chúng tôi sợ nhất là những kỳ thi vấn đáp mà mỗi lần chuẩn bị vào phòng thi vẫn thường hay nói đùa với nhau là sắp lên… đoạn đầu đài! Để khỏi bị “rớt đài”, cánh sinh viên khoa Văn phải ngốn ngấu những bộ tiểu thuyết kinh điển của văn học thế giới dày cả gang tay như: “Con đường đau khổ”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Sông Đông êm đềm”, “Những người khốn khổ”, “Tội ác và trừng phạt”… Không những đọc hết mà còn phải “cảm” được giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của những tác phẩm lừng danh ấy thì mới hy vọng có được điểm thi như mình mong muốn. Hoặc có những môn như ngôn ngữ học thì cô giáo lại yêu cầu khắt khe theo một cách riêng mà trước đó suốt thời phổ thông chúng tôi chưa hề bắt gặp. Đó là, đối với môn thi ngôn ngữ học của cô, dù bài làm hay đến cỡ nào nhưng cứ sai hai lỗi chính tả là bị trừ một điểm…

Từ trang sách đến cuộc đời là một khoảng xa vời vợi. Nhưng những điều thầy cô tận tâm truyền dạy trong những năm tháng ngồi ở giảng đường đại học chính là điểm tựa để chúng tôi vững tin hơn trên hành trình khám phá chân trời tri thức và bước tiếp con đường học vấn đầy gian truân, khổ nhọc. Chính các thầy cô đã “truyền lửa” giúp chúng tôi mở mang kiến thức, tầm nhìn để hiểu được những giá trị Chân – Thiện – Mỹ và điều đó đã trở thành hành trang tri thức khi vào đời.

Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày tôi và các đồng môn rời xa giảng đường đại học. Có những người thầy tôn kính của chúng tôi giờ đã thành người thiên cổ, nhiều thầy cô tóc đã pha sương nên giã biệt bảng đen và phấn trắng. Mỗi lần nhớ về thời áo trắng thư sinh, tôi lại hoài tưởng tới những năm tháng sinh viên đói khổ nhưng đầy mộng mơ, hoài bão vì nó đã khắc sâu và luôn hiện hữu trong miền ký ức...

Xin được coi bài báo nhỏ này là chút lòng thành kính tri ân những người thầy thông tuệ và đáng trọng đã tận tình dạy dỗ bao thế hệ học trò như chúng tôi. Nếu thời gian quay ngược và được trở lại thời đi học thuở nào, tôi vẫn ước ao được làm học trò của những người thầy như thế!

20-11-2012

Lê Quang Ánh


Ý kiến bạn đọc