Multimedia Đọc Báo in

"Ngăn dòng" học sinh bỏ học

13:31, 27/11/2012

Việc duy trì sĩ số học sinh ở các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là thách thức, khó khăn của ngành Giáo dục. Mỗi khi có học sinh bỏ học, các thầy cô lại lặn lội đi vận động các em trở lại trường. Làm thế nào các em yên tâm học tập là cả một vấn đề. Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã đưa ra lời giải, "ngăn dòng" học sinh bỏ học.

Xuất phát từ thực tế hiện tượng học sinh bỏ học nhiều nhất là những trường ở các xã khó khăn và có trẻ em dân tộc thiểu số; để khắc phục tình trạng này, những năm trở lại đây, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng đã đề ra nhiều giải pháp và đạt được kết quả phấn khởi. Có thể nói, cách làm chủ yếu nhất vẫn là giáo viên tích cực đến nhà vận động và đổi mới phương pháp dạy học để “níu” chân các em. Nhờ đó, hơn 5 năm qua, nhà trường đã duy trì sĩ số học sinh, không còn tình trạng bỏ học giữa chừng.

Cuộc sống của người dân xã Hòa Xuân vốn còn nhiều khó khăn vất vả, nhất là những hộ đồng bào dân tộc Êđê. Trước đây, do nhận thức còn hạn chế và mải lo kiếm sống nên hầu hết các bậc phụ huynh không mấy quan tâm đến việc học của con em dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng hoặc không ra lớp khi đã đủ tuổi đến trường. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khiến các em bỏ học như ham chơi dẫn đến học lực sa sút; vào mùa hái cà phê phải đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình... Quyết tâm vận động học sinh đến trường và duy trì sĩ số lớp học, thầy cô giáo Trường Tiểu học Phan Đình Phùng thường đến tận nhà những em hay nghỉ học để vận động. Tuy nhiên có những lần đến không gặp được phụ huynh vì họ đi làm ăn xa, hay một số học sinh thường xuyên theo cha mẹ lên rẫy, có trường hợp thấy giáo viên đến nhà, trò bỏ trốn...  song sự kiên trì, tâm huyết với nghề và tình thương các cháu của các thầy, cô đã mang lại hiệu quả, các em trở lại lớp học.

Hơn 5 năm nay, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng không có học sinh  bỏ học giữa chừng.
Hơn 5 năm nay, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng không có học sinh bỏ học giữa chừng.

Gia đình khó khăn nên bố mẹ Y Phiêu (học sinh lớp 2B) phải đi làm thuê, cuốc mướn thường xuyên vắng nhà; do thiếu sự quan tâm của người lớn nên năm lớp 1 việc học của em nay đi, mai nghỉ. Sau khi biết rõ hoàn cảnh gia đình, Ban Giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã đến tận nhà để vận động Y Phiêu trở lại lớp. Thấy em không đủ tập sách đi học, các thầy cô giáo lại quyên góp tiền mua tặng; đặc biệt giáo viên đã tuyên truyền cho bố mẹ em hiểu tầm quan trọng của việc cho con đi học. Sau nhiều lần như thế, Y Phiêu đã đi học đều, sức học cũng khá hơn trước nhiều. Những trường hợp nghỉ học và bỏ học giữa chừng được các thầy cô giáo tuyên truyền, vận động trở lại trường là rất nhiều, như em: Y D’he, Y Trung, Y Kiên, H'Rơng.... Cô H'wiên Niê, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B nhớ lại, dù bản thân bị khuyết tật nhưng em Y D'he (học sinh lớp 1B) rất ham học, do cuộc sống quá khó khăn nên gia đình đã cho em nghỉ học giữa chừng. Khi biết được nguyên nhân, cô H’Wiên đã trích tiền lương của mình mua tặng khi cuốn tập, cây bút, khi tấm áo để em được đến trường như bao đứa trẻ khác. Hằng năm, trường cũng ưu tiên dành những suất học bổng cho các em, tạo động lực giúp các em tiếp tục con đường học tập.

Năm học 2012-2013, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng có 366 học sinh, trong đó có 111 học sinh dân tộc thiểu số; tỷ lệ vận động học sinh ra lớp đạt 100%. Để các em “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhà trường thường xuyên hỗ trợ giày dép, áo quần, sách vở cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, bằng các nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm, phụ huynh và từ quỹ nuôi heo đất của trường, mỗi năm nhà trường đều tổ chức trao quà, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Mặc khác, các thầy, cô giáo cũng chủ động thay đổi cách giảng dạy, trình bày sinh động bài giảng mỗi khi lên lớp để tạo hứng thú cho các em. Vào đầu năm học, sau khi rà soát học lực học sinh, nhà trường đã tổ chức dạy phụ đạo miễn phí những em học lực yếu. Không những thế, vào giờ ra chơi, một số giáo viên còn tranh thủ trò chuyện tâm sự động viên các em. Cô Lê Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Để duy trì sĩ số học sinh đến trường, chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng của việc học; củng cố kiến thức, kịp thời nắm bắt những biểu hiện khác thường của học sinh để liên hệ với phụ huynh nhằm có biện pháp khắc phục hiệu quả". Thiết nghĩ, học sinh ra lớp đạt kế hoạch là niềm phấn khởi của các trường và ngành Giáo dục. Tuy nhiên, để giữ chân các em học là một vấn đề không dễ. Mong rằng, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến con em mình để có một tương lai tươi sáng sau này; đồng thời góp phần giải bài toán học sinh bỏ học mà bấy lâu nay đang tồn tại.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc