Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư Pui (huyện Krông Bông) với nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục

08:26, 12/11/2012

Theo số liệu báo cáo năm học 2011 – 2012, trên địa bàn xã Cư Pui (huyện Krông Bông), ở bậc mẫu giáo số trẻ từ 3 - 5 tuổi ra lớp mới đạt 49% (thấp hơn chỉ tiêu được giao là 16%), trong đó trẻ 5 tuổi cũng mới đạt 94% (thấp hơn 2%). Ở bậc tiểu học, toàn xã có 2 trường với 1.939 học sinh, trong đó học sinh khá giỏi chiếm 28,54%; học sinh yếu kém lưu ban là 362 cháu, chiếm tỷ lệ 19%; học sinh bỏ học 31 cháu, chiếm 1,6%. Ở bậc THCS có 446 học sinh, trong đó khá giỏi chiếm tỷ lệ 17,23%; số học sinh yếu kém: 54,48%; học sinh bỏ học 46 em, chiếm 9,35%. Cư Pui là một trong 4 xã thuộc huyện Krông Bông có số học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ cao.

Trước tình hình đó, vừa qua UBND xã Cư Pui đã tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục với sự tham dự của đại diện Phòng GD-ĐT huyện, các cán bộ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và các trường học trên địa bàn xã để tìm hiểu nguyên nhân thực trạng và đề ra các giải pháp khắc phục. Hội thảo đã xác định những nguyên nhân cơ bản của tình trạng học sinh yếu kém, bỏ học như sau: Hiện có khoảng 80% học sinh gặp khó khăn về đọc, viết và tính toán; học vẹt, không có khả năng vận dụng kiến thức và chưa có động cơ học tập. Khả năng tư duy của học sinh còn rất hạn chế, chưa mạnh dạn trong học tập do hiểu chưa sâu, nắm kiến thức chưa chắc và thiếu tự tin. Trong dạy học, việc sử dụng hệ thống câu hỏi gợi mở, dẫn dắt chưa logic, chưa phù hợp cho từng đối tượng học sinh; việc sử dụng đồ dùng dạy học trực quan, tranh ảnh, sách giáo khoa, thí nghiệm còn hạn chế. Việc vận dụng thông tư đánh giá xếp loại học sinh còn nhiều lúng túng, dẫn đến vận dụng chế độ cho điểm chưa phù hợp với học sinh vùng đặc biệt khó khăn, chưa mạnh dạn tìm các giải pháp giải quyết vấn đề chất lượng học tập của học sinh, còn nặng tâm lý trông chờ chỉ đạo của cấp trên. Nhiều phụ huynh chưa thật sự quan tâm, chăm lo và đôn đốc con em mình học tập, còn phó thác cho nhà trường, cho thầy cô…

Từ những nguyên nhân này, tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thống nhất trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đó, điều quan trọng và tiên quyết là cần có sự vào cuộc của  toàn bộ hệ thống chính trị để có hành động thiết thực tạo sức bật mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Việc học sinh học yếu, bỏ học ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn là một tồn tại khách quan, vì vậy không thể nóng vội, mà cần phải có lộ trình hợp lý, có biện pháp hiệu quả và kịp thời; vận dụng hợp lý quy định đánh giá xếp loại của Bộ vào thực tế từng nhà trường. Bên cạnh đó, thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; đặc biệt là mối quan hệ, phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc đôn đốc, nhắc nhở học sinh đi học chuyên cần, quan tâm đến kế hoạch dạy phụ đạo cũng như gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt thông tin về việc học của con em mình; mỗi gia đình nên ưu tiên bố trí cho các em có góc học tập riêng bảo đảm yên tĩnh, thoáng mát và có đầy đủ dụng cụ học tập. Mặt khác, về phía chính quyền địa phương cần tạo mọi điều kiện, chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng học cho các trường, nơi ở nội trú cho giáo viên; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc