Multimedia Đọc Báo in

“Búp Măng xinh”: Sân chơi rèn luyện sự bén nhạy cho trẻ

05:06, 10/12/2012

Sân trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột) giờ ra chơi sôi nổi từng nhóm học sinh bàn luận chủ đề “Ai bén nhạy hơn” của cuộc thi “Búp măng xinh” với các nội dung như: “Cô bé quàng khăn đỏ”, “Hiệp sĩ giao thông tài ba”, “Hành tinh xanh thân thiện”, “khỉ con đi lạc”...

Đội thi Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, một trong 15 trường xuất sắc nhất cả nước vào Vòng thi cấp khu vực.
Đội thi Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, một trong 15 trường xuất sắc nhất cả nước vào Vòng thi cấp khu vực.

Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ là một trong 15 trường xuất sắc nhất cả nước vào vòng thi cấp khu vực cuộc thi Búp Măng xinh vừa diễn ra đầu tháng 12. Với tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”, đề của cuộc thi “Ai bén nhạy hơn” được Viện Nghiên cứu Giáo dục xây dựng theo cấu trúc những trò chơi hấp dẫn, tạo cơ hội để các em học sinh ở độ tuổi tiểu học thể hiện sự nhanh nhạy, độc lập, tự tin trong cách xử lý tình huống hằng ngày. Ví dụ như câu chuyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” quen thuộc được xây dựng thành đề bài cho các bé nhóm 1 (lớp 1, 2). Từ bờ ao làng, Dế Mèn quyết định thực hiện cuộc phiêu lưu để thỏa tính hiếu kỳ của mình, nhưng do mải miết đuổi theo bướm vàng xinh đẹp đến một khu vườn, Mèn lạc đường. Để trở về được nhà, Mèn ta phải tìm được đủ 5 mảnh ghép của tấm bản đồ chỉ đường. Mỗi mảnh ghép là một điểm dừng, thử thách các em bằng những câu hỏi bài tập môn Tự nhiên xã hội và Đạo đức. Lồng ghép vào đó là những tình huống về gia đình, nhà trường, đòi hỏi bé phải tư duy và quan sát tốt mới làm bài nhanh và đúng. Với nhóm 2 (lớp 3), câu chuyện “Thỏ con đến trường” là đề bài khó hơn, đòi hỏi các bé ngoài vững kiến thức trong trường còn phải có sự nhanh nhạy, óc phán đoán tốt, ví dụ như giúp bác Gấu bán bánh nhanh, bé phải làm tính nhẩm thật chuẩn xác, giúp bác Bò Sữa giao hàng, bé phải nhớ chính xác hương vị nào, dung tích nào đúng với đơn hàng trước đó. Còn các em lớp 4 và 5 sẽ thực hiện nhiệm vụ khó khăn hơn là khám bệnh, chẩn đoán và đưa ra lời khuyên chăm sóc sức khỏe cho mọi người với trò chơi “Bác sĩ gia đình”…

Ở những vòng thi đầu tiên, các em học sinh tham gia trả lời câu hỏi mang tính thực tiễn, phù hợp với lứa tuổi và sử dụng kiến thức các môn đã học như Toán, Tiếng Việt, Đạo đức... để xử lý bài tập tình huống. Em Quách Thị Thùy Trang, học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ cho biết: “Qua từng tuần thi, chúng em được trải nghiệm nhiều vấn đề mới, học hỏi thêm kiến thức từ những môn học ở trường. Bên cạnh cơ hội ôn tập, củng cố kiến thức, chúng em còn phải vận dụng trí nhớ, óc phân tích nhằm giải quyết vấn đề và rèn luyện sự nhạy bén thông qua những tình huống cuộc thi đưa ra”. Tuy được gọi là cuộc thi nhưng thực sự đây là sân chơi do chính học sinh làm chủ, không hề gây áp lực thi cử cho các em. Kết thúc phần thi của trẻ, nhiều bậc phụ huynh vẫn tiếp tục khuyến khích con em truy cập và thử tài ở những câu hỏi mới, động viên con tìm hiểu thêm những kiến thức còn “hổng” và khơi gợi các tình huống thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày để trẻ phát triển tối đa khả năng tư duy. Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, phụ huynh em Đặng Đức Duy tâm sự: “Lúc Cuộc thi “Ai bén nhạy hơn” được phát động, về nhà thấy cháu cứ đòi mở máy vi tính để tham gia cả nhà cứ ngỡ cháu nghiện game, nhưng khi đọc qua các nội dung đăng tải và thấy cháu rất hào hứng đánh vần, ghép chữ, cộng số để vượt qua các tình huống mà Ban Tổ chức đưa ra thì ai cũng vui và cổ vũ cháu”.

Là một sân chơi trí tuệ với hình thức giải trí cao, “Ai bén nhạy hơn” đã thu hút sự quan tâm, ý chí chinh phục thử thách và kích thích tư duy nhạy bén của các em học sinh tiểu học trên cả nước. Cô Phạm Thị Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ chia sẻ: “Ai bén nhạy hơn” đã mang đến diện mạo hoàn toàn mới cho các cuộc thi dành cho trẻ em ở độ tuổi tiểu học. Cuộc thi là mô hình điển hình cho việc tiếp cận giáo dục đa phương tiện. Ngoài phần hình ảnh được đầu tư công phu, nội dung bài học bám sát chương trình giáo dục, bảo đảm nội dung thiết thực và phát triển các kỹ năng cần thiết cho trẻ, Ban Tổ chức còn đưa vào tính năng đọc hướng dẫn làm bài, giúp cho các bé lớp 1, lớp 2 cũng có thể tham gia và hoàn thành bài thi được tốt như các em lớp 3, 4 và 5”.

 Đây là một động lực to lớn để các em học sinh cố gắng hết mình với “Ai bén nhạy hơn” bởi ngoài những phần thưởng có giá trị với giải thưởng cá nhân là 1 triệu đồng và giải tập thể tặng cho nhà trường lên đến 50 triệu đồng, ở vòng chung kết đội thi sẽ là những thí sinh xuất sắc nhất của cả năm khối lớp. Học sinh lớp 1, 2 cũng được sát cánh cùng các anh, chị lớp 4, 5 để thể hiện năng lực sáng tạo của mình. Khi bé mang “trọng trách” tự mình phân tích, giải quyết vấn đề để vượt qua khó khăn, bé sẽ tự tin hơn, đồng thời hào hứng khám phá những kiến thức mới. Món quà lớn nhất bé nhận được từ cuộc thi là sự bén nhạy, linh hoạt để tự tin, bản lĩnh bước vào cuộc sống. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chương trình giáo dục và các hoạt động dành cho thiếu nhi còn thiếu tính thực tiễn, chưa tạo điều kiện và khuyến khích các bé tự phân tích và xử lý tình huống.

Cuộc thi Búp Măng xinh toàn quốc năm học 2012 – 2013 với chủ đề "Ai bén nhạy hơn” do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức diễn ra từ 10-9 đến 16-12-2012 với 3 vòng thi: cấp trường, cấp khu vực và cấp toàn quốc đã thu hút được sự tham gia của hơn 100.000 thí sinh đến từ hơn 3.000 trường tiểu học, riêng tỉnh Dak Lak có trên 10.000 em tham gia.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc