Multimedia Đọc Báo in

Khi học sinh được trao quyền chủ động

14:39, 08/12/2012

Một lần đến Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) tôi ấn tượng về sự chủ động của học sinh trong học tập. 15 phút đầu giờ, Hội đồng tự quản lớp gồm chủ tịch, hai phó chủ tịch và sáu thành viên các ban học tập, thư viện, đối ngoại, tư vấn, văn nghệ-thể dục thể thao, sức khỏe-vệ sinh “khởi động” lớp học bằng bài hát tập thể hoặc trò chơi dân gian, kiểm tra bài cũ và đọc mục tiêu bài học trước khi giáo viên chủ nhiệm vào lớp. Cách kiểm tra bài cũ cũng rất thú vị, thay vì giáo viên gọi học sinh lên thì Hội đồng tự quản lớp cho các bạn xếp thành vòng tròn và chơi trò chơi liên quan đến bài học của ngày hôm trước. Ví dụ hôm trước lớp 3 EN1 học về số lớn nhất có 3 chữ số, thì chủ tịch Hội đồng tự quản lớp sẽ ra đề bài liên quan và cho cả lớp cùng chơi trò bỏ khăn: Khi nghe hiệu lệnh cả lớp cùng nhắm mắt, chiếc khăn được bỏ vào vị trí của ai thì bạn đó phải trả lời câu hỏi để cả lớp cùng nghe, mức độ câu hỏi tăng dần từ dễ đến khó. Tương tự ở môn học khác, các em cũng có cách kiểm tra bài cũ bằng các trò chơi dân gian hoặc đố vui. Giáo viên chỉ can thiệp khi câu hỏi được đưa ra quá khó và chưa thống nhất đáp án. Theo cô Bùi Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng, kiến thức mới là sự tiếp nối của kiến thức được gọi là “cũ”. Khi học sinh nắm chắc bài cũ là giáo viên đã thành công 50%, do đó việc giao quyền chủ động cho học sinh trong việc kiểm tra bài cũ giúp giờ học trở nên nhẹ nhàng hơn, các em tự tin hơn. Với cách làm này, tất cả học sinh kể cả học sinh có học lực kém, tiếp thu bài chậm đều phải học bài cũ vì không muốn bị phạt trước tập thể lớp.

Kiểm tra bài cũ bằng trò chơi dân gian của học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt.
Kiểm tra bài cũ bằng trò chơi dân gian của học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt.

Không chỉ thay đổi hình thức kiểm tra bài cũ, thầy, cô giáo còn chú ý đến cảm xúc của học sinh trong quá trình dạy. Ở góc học tập của mỗi nhóm ngoài các bảng ghi nề nếp, học tập còn có một chiếc bảng “Ngày em đến lớp” được trang trí rất đẹp và chia thành các cột để các em ghi cảm xúc của mình từng buổi học. Nhìn vào chiếc bảng này, giáo viên sẽ biết hôm nay học sinh đến lớp với tâm trạng vui hay buồn để điều chỉnh cách giảng bài thích hợp. Không rập khuôn theo một trình tự mà học sinh đã quá quen thuộc, giáo viên linh hoạt thay đổi ngữ điệu, cách thức hỏi, giảng giải thậm chí dừng tiết dạy trong 5-10 phút để các em tự tổ chức văn nghệ, chơi trò chơi để lấy lại tâm thế thoải mái, tự tin.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.