Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn đường đến lớp

14:05, 07/12/2012

Trong cái nắng trưa gay gắt của những ngày đầu mùa khô Tây Nguyên, đường đến lớp của các em học sinh tại thôn Ea Uôl, xã Cư Pui (Krông Bông) dường như càng thêm vất vả hơn.

Hằng ngày  các em  đều đặn  vượt qua  những con dốc cao   để  đến trường tìm  con chữ.
Hằng ngày các em đều đặn vượt qua những con dốc cao để đến trường tìm con chữ.

Nằm trên đường liên thôn nhưng khu lớp học tại thôn Ea Uôl lại bị chắn giữa hai con suối, một ngọn đồi và được bao bọc quanh bởi các ngọn núi, do đó đứng từ xa, nhìn các phòng học trông như nhỏ bé hơn giữa núi rừng. Tại đây, hiện có 4 phòng kiên cố và 2 lớp mẫu giáo tạm bợ với hơn 300 học sinh của 10 lớp học trong thôn. Trong khi đó, đường đến trường của các em lại gặp bao khó khăn vất vả. Thương nhất là các em lớp mẫu giáo, có em nhà cách xa từ 4 đến 5km đường đồi núi, mặt đường thì toàn đá lổn nhổn, mà thời gian học lại nguyên ngày nên sáng đi học, hết buổi về nhà, rồi lại lầm lũi đi giữa trưa đến lớp, tính chung mỗi ngày nhiều em phải đi bộ quãng đường tới 20km để tìm con chữ. Trời nắng đi học tuy có vất vả nhưng vẫn đến lớp được, còn gặp trời mưa thì nhiều em đã ra tới chân đồi nhưng vẫn phải quay về, vì đường thì lầy lội và nước chảy qua con suối trở nên “hung hãn” hơn ngày thường không thể vượt qua. Đường đi học đã vất vả mà cơ sở vật chất dùng cho việc dạy học tại đây vẫn còn nhiều tạm bợ. Mỗi lớp mẫu giáo A và B rộng chừng 25m2, với gần 30 học sinh nhưng chỉ được thưng che bằng những tấm ván thưa và mái tôn thủng lỗ chỗ, nên trời nắng thì đầy gió và bụi, còn trời mưa nền đất trở nên lầy lội. Ghế thấp bàn cao, các em thường phải nửa đứng nửa ngồi mỗi khi tô màu, vẽ tranh..., nhiều bàn ghế bị mưa dột lâu ngày trở nên mục nát, đụng vào là bong ra. Nhìn lớp học quá tuềnh toàng, nên các cô giáo ở đây có sáng tạo là dùng dụng cụ học tập che chắn các khe gỗ để “làm đẹp" lớp. Cô Lê Nguyễn Hồng Nhung, giáo viên lớp mẫu giáo A, cho biết, lớp học tuy còn tạm bợ nhưng các em ở đây chăm học lắm, trời nắng, trời mưa đều cố gắng đến lớp, mưa to quá không đến được thì gia đình đều báo cho cô giáo biết. Lớp học còn tạm bợ là thế nhưng dường như các em chưa cảm nhận hết nỗi khó khăn của chính mình, mà thay vào đó là những nét hồn nhiên, tinh nghịch. Giờ ra chơi tại đây luôn tràn ngập những tiếng cười đùa, những âm thanh huyên náo vì các trò chơi trẻ thơ như bắn bi, nhảy dây, đuổi bắt… Nhìn các em vui chơi, mới thấy rằng đối với học sinh, có lẽ đến trường đi học và chơi đùa cùng bạn bè là niềm vui lớn nhất.

Thôn Ea Uôl hiện có 312 hộ với hơn 1920 nhân khẩu, 100 % là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, người dân chủ yếu chỉ làm nương rẫy. Thế nhưng phần đông đồng bào ở đây đều ý thức được việc cho con em đi học. Anh Sính Chứ Chơ, trưởng thôn Ea Uôl cho biết: mấy năm trước tỷ lệ học sinh bỏ học ở đây rất cao, nhưng những năm gần đây, do thường xuyên tuyên truyền vận động nên bà con hiểu ra rằng, chỉ có đi học mới tìm được con chữ để thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hơn. Anh Vàng A Chá tâm sự: vợ chồng mình nghĩ rằng, chỉ có đi học mới có thể thoát nghèo, nên gia đình luôn cô gắng hết sức để con cái được đến lớp. Hiện gia đình anh đang có 3 người con, đứa lớn nhất đang học lớp 3, phân hiệu Ea Lang, Trường tiểu học Cư Pui 2, em nhỏ nhất đang học lớp mẫu giáo ngay trong thôn. Anh khoe rằng, gia đình khó khăn là thế nhưng các cháu chăm học lắm, người con đầu của anh là em Vàng Thị Sua năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, là niềm tự hào của gia đình. Gia đình anh Thào Vạn Sùng và chị Mua Thị Mỵ chỉ có hai căn nhà gỗ và 1,5 ha cà phê nhưng phải nuôi tới 7 miệng ăn. Gia đình đông người, vợ lại bị đau thần kinh tọa mất sức không thể làm việc, nên tất cả chỉ trông cậy vào sức lao động của một mình anh Sùng, nhưng anh nhất quyết không để người con nào phải nghỉ học. Anh tâm sự: phải quyết tâm cho con cái đi học để tìm cái chữ, học thêm kiến  thức để từ đó con, cháu mình mới thoát khỏi cái nghèo, cái lạc hậu này. Nghe lời bố mẹ, tất cả các cháu trong nhà đều chăm chỉ đến trường hằng ngày, như bé Thào Thiên Tứ, lớp mẫu giáo B,  mắc bệnh lớn tim bẩm sinh, nhà lại xa hơn 4 km, phải qua một con đồi, con suối nhưng hằng ngày em vẫn đều đặn đến lớp…

Trông bóng dáng liêu xiêu giữa trưa về nhà trên con đường quen thuộc, vẫn thấy ánh lên trong mắt của các em là những niềm vui sau khi học được con chữ và niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mai sau. Mong sao con đường đến lớp của các em bớt gập ghềnh hơn khi đi tìm con chữ…

Gia Hưng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.