Ban hành Quy định về Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập
Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB&XH vừa ban hành Thông tư liên tịch quy định điều kiện và thủ tục thành lập, hoạt động, đình chỉ hoạt động, tổ chức lại, giải thể Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập (TTHTPTGDHN). Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 18-2-2013.
Với hai loại hình công lập và ngoài công lập, TTHTPTGDHN là cơ sở cung cấp nội dung chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ giáo dục, tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của người khuyết tật.
Chức năng của Trung tâm là phát hiện trẻ khuyết tật để tư vấn, lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; thực hiện biện pháp can thiệp sớm người khuyết tật tại cộng đồng để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng; cung cấp nội dung, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật.
Đại diện nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tặng học bổng học sinh Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh ( Ảnh: tư liệu) |
TTHTPTGDHN được thành lập khi có đủ các điều kiện: Có đề án thành lập Trung tâm, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ; phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu hỗ trợ giáo dục người khuyết tật của địa phương; có trụ sở làm việc hoặc đề án quy hoạch cấp đất xây dựng trụ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); trang thiết bị cần thiết ban đầu; nguồn nhân sự và kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật; có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm.
Trung tâm được phép hoạt động khi có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch UBND tỉnh; cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị và dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm người khuyết tật, trong đó có khu nhà ở cho HS đối với Trung tâm có HS khuyết tật ở nội trú; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục có trình độ chuyên môn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật; nội dung chương trình giáo dục và tài liệu bồi dưỡng, tư vấn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật…
Nguồn GD&TĐ
Ý kiến bạn đọc