Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng giáo dục ở một xã vùng sâu

10:26, 12/01/2013

Đóng trên địa bàn còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nhưng trong suốt những năm qua Trường Tiểu học Nguyễn Du luôn là điểm sáng trong phong trào dạy và học của huyện M’Drak.

Một  buổi  học  ở  Trường  Tiểu  học  Nguyễn  Du, huyện M'Drak.
Một buổi học ở Trường Tiểu học Nguyễn Du, huyện M'Drak.

Nằm cách trung tâm huyện hơn 30 km, xã Cư Prao là một trong những xã khó khăn nhất của huyện M’Drak. Năm 2006, Trường Tiểu học Nguyễn Du được thành lập sau khi tách ra từ Trường cấp I-II Nguyễn Du. Do đó cơ sở vật chất của Trường Tiểu học Nguyễn Du thiếu thốn đủ bề. Ngoài trường chính đóng tại trung tâm xã, Trường Tiểu học Nguyễn Du còn có hai điểm trường khác là điểm trường buôn Pá và điểm trường buôn Zô, trong đó điểm trường buôn Zô cách trung tâm xã hơn 20km nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác dạy và học của trường gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực của thầy và trò, Trường Tiểu học Nguyễn Du đã vượt qua những khó khăn ban đầu, duy trì tốt việc dạy và học. Nỗ lực đó như được tiếp thêm sức mạnh khi vào năm 2009, với sự hỗ trợ của Dự án Giáo dục Tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ Giáo dục – Đào tạo), cơ sở hạ tầng của trường được cải thiện đáng kể. Điểm trường chính được xây dựng khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy học; hai điểm trường buôn Pá và điểm trường buôn Zô cũng được xây dựng kiên cố đã góp phần quan trọng đẩy chất lượng dạy và học của trường lên một tầm cao mới. Từ năm học 2006-2007 đến nay, tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường đạt gần 65%. Công tác đào tạo mũi nhọn cũng được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm đúng mức. Năm học 2009-2010, trường có một học sinh đoạt giải ba toàn tỉnh Cuộc thi Kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mới đây nhất một học sinh của trường cũng đã đoạt giải ba viết chữ đẹp cấp tỉnh và Trường Tiểu học Nguyễn Du cũng đoạt giải ba toàn đoàn tại cuộc Giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp tỉnh năm học 2012-2013. Có được kết quả ấy, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của địa phương là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ giáo viên của trường. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Thế Anh cho biết, xã Cư Prao là một xã thuần nông, hơn thế hơn 1/3 dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Êđê và dân tộc miền núi phía Bắc như: Tày, Nùng, Mông…) nên phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình. Do đó bên cạnh công việc chuyên môn, đội ngũ giáo viên trong trường còn phải thường xuyên tuyên truyền vận động con em đồng bào đến trường. Hiện tổng số học sinh của trường là 559 em, trong đó có 311 học sinh là người dân tộc thiểu số, sĩ số trên đã được duy trì từ đầu năm học đến nay mà không có học sinh nào bỏ học giữa chừng. Toàn trường hiện có 33 cán bộ công nhân viên chức, hầu hết đều công tác xa nhà, nhưng tất cả đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tiêu biểu trong số ấy có cô Phạm Hà Nữ Thảo. Công tác tại trường đã được 5 năm nay, nhưng cô chưa nghỉ buổi dạy nào. Cô Thảo chia sẻ, vì mới lập gia đình và có một con nhỏ mới 3 tuổi nên dù nhà ở cách trường hơn 30 km, nhưng suốt cả tuần vẫn cứ sáng đi, chiều về không sót bữa nào.

Đánh giá cao về chất lượng dạy và học của Trường Tiểu học Nguyễn Du, thầy Nguyễn Văn Khương, Chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện M’Drak khẳng định, với nền tảng và quyết tâm của thầy trò nhà trường, Phòng đang cùng với Ban giám hiệu từng bước xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Du thành trường chuẩn Quốc gia vào năm học tới.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc