Dự kiến dành 340 tỷ đồng để xây dựng xã hội học tập
“Đến năm 2015, phấn đấu 96% số người trong độ tuổi từ 15-60 và 98% số người trong độ tuổi từ 15-35 biết chữ. Đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ tương ứng là 90% và 92%” là một trong những mục tiêu chính của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 9-1-2013.
Đề án cũng đặc biệt ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn; phấn đấu tỷ lệ biết chữ cân bằng giữa nam và nữ. Đồng thời, phấn đấu 80% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại; 100% tỉnh, thành phố củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
TTGDTX huyện Krông Pak (tỉnh Dak Lak) là đơn vị điển hình về xây dựng xã hội học tập ( Ảnh: minh họa) |
Đối với mục tiêu nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, Đề án phấn đấu đến năm 2015 có 80% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; 20% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 5% có trình độ bậc 3. Hằng năm, tăng tỷ lệ số công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Theo đó, đối với cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện, tiếp tục duy trì 100% được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định, 100% cán bộ công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 90% thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hằng năm. Đối với cán bộ, công chức cấp xã, 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc; 95% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định; 85% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm…
Hằng năm, tiếp tục tăng tỷ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống để xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn. Trong đó phấn đấu 50% học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục.
Theo Quyết định, kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách Nhà nước dự kiến là 340 tỷ đồng (vốn sự nghiệp) cho các hoạt động: tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập là 45 tỷ đồng; cung cấp tài liệu học tập cho các cơ sở giáo dục thường xuyên là 135 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục thường xuyên là 98 tỷ đồng; tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng xã hội học tập là 47 tỷ đồng; kinh phí quản lý thực hiện Đề án là 15 tỷ đồng.
Nguồn Website ĐCSVN
Ý kiến bạn đọc