Multimedia Đọc Báo in

Em yêu tiếng Việt

22:04, 19/01/2013

Với mục tiêu rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” được ngành Giáo dục tổ chức là một trong nhiều giải pháp để nâng cao năng lực hiểu biết, kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh DTTS.

  Học sinh DTTS hào hứng tham gia chương trình giao lưu “Tiếng Việt  của chúng em”.
Học sinh DTTS hào hứng tham gia chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”.

Giúp học sinh mạnh dạn, tự tin

Chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” quy mô cấp tỉnh lần đầu tiên được tổ chức trong năm học 2012-2013 đã thu hút sự tham gia của 132 học sinh DTTS từ lớp 3 đến lớp 5 các trường tiểu học trong tỉnh. Đây là những học sinh xuất sắc đã vượt qua vòng giao lưu cấp trường và cấp huyện, thị xã, thành phố được tổ chức trong tháng 12. Qua 4 phần thi: kiến thức tiếng Việt, giao lưu đồng đội, năng khiếu và hùng biện, các em học sinh DTTS không chỉ gây bất ngờ cho Ban Giám khảo, khán giả bởi sự mạnh dạn, tự tin mà còn chứng tỏ khả năng sử dụng tiếng Việt lưu loát thông qua các hành vi ngôn ngữ phù hợp trong học tập, cuộc sống. Qua đó cho thấy, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS đã thực sự được ngành Giáo dục quan tâm, giúp các em phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt. Cô Nguyễn Thị Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Ea H’leo) cho biết: “Không chỉ học sinh mà các bậc phụ huynh cũng rất hào hứng tham gia chương trình giao lưu. Phụ huynh sẵn lòng hỗ trợ thầy, cô giáo chuẩn bị trang phục, đạo cụ cho các em; thậm chí có phụ huynh đã nhờ người thân ở các tỉnh phía bắc thuê trang phục truyền thống gửi vào để con mình rực rỡ trong ngày giao lưu với niềm hân hoan xen lẫn tự hào”. Nhờ sự đồng thuận của phụ huynh mà chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp tỉnh năm học 2012-2013 không chỉ tạo sân chơi kiến thức bổ ích, lý thú mà còn là nơi để các em học sinh DTTS “trình diễn” trang phục truyền thống. Với nhiều em đây còn là cơ hội rèn luyện sự mạnh dạn, tự tin khi đứng trước đám đông. Em H’Như Du lớp 4A, Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, xã Dak Liêng (huyện Lak) nói: “Được chọn vào đội tuyển tham dự chương trình giao lưu cấp tỉnh em rất lo, nhưng khi xem các bạn đến từ thị xã Buôn Hồ, Ea Kar tự tin thể hiện phần thi kiến thức tiếng Việt, biểu diễn văn nghệ, em cảm thấy vững tin hơn”. 

Rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục

Đối với học sinh tiểu học, Tiếng Việt là bộ môn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chiếm một thời lượng lớn trong toàn bộ chương trình. Có đọc thông viết thạo tiếng Việt các em mới có thể nghe giảng trên lớp, sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo một cách chủ động. Đặc biệt đối với học sinh DTTS, nhất là các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, cơ hội và điều kiện tiếp xúc ngôn ngữ tiếng Việt hạn chế thì việc rèn luyện để đọc thông, viết thạo tiếng Việt lại càng có ý nghĩa quan trọng. Khác với học sinh người Kinh, trước khi đến trường khả năng sử dụng tiếng Việt của đa số học sinh DTTS còn hạn chế. Do không thạo nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt nên các em khó học tốt các môn khác. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều trường học vùng DTTS có tỷ lệ học sinh yếu kém khá cao. Năm học 2011-2012, bậc tiểu học có 72.429 học sinh dân tộc thiểu số, trong đó học sinh yếu kém ở vùng khó khăn chiếm 10,4% (tỷ lệ này ở vùng thuận lợi khoảng 3-5%). Trong tổng số 596 học sinh bỏ học trong năm học 2011-2012 của bậc tiểu học có 499 học sinh DTTS. Để từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, trong những năm qua ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếng Việt cho học sinh DTTS như: thực hiện tốt  việc tăng thời lượng dạy tiếng Việt; mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ “tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng đồng bào DTTS” cho giáo viên; phân công giáo viên người DTTS  tại chỗ phụ trách việc dạy tiếng dân tộc để có thể giúp học sinh học tiếng Việt tốt hơn, đặc biệt là việc tạo môi trường để các em giao tiếp tiếng Việt. Chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” là một sân chơi bổ ích, lý thú, giúp các em phát triển các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt thông qua các nội dung như: chào hỏi, thi kiến thức tiếng Việt, thi năng khiếu (đọc thơ, kể chuyện, hát...) và các hình thức thể hiện nội dung giao lưu mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc, giúp các em mở rộng vốn hiểu biết về tiếng Việt, góp phần nâng cao chất lượng học môn tiếng Việt. Mặt khác, thông qua chương trình giao lưu, các trường có thể thấy được những mặt hạn chế trong quá trình giảng dạy để có biện pháp khắc phục, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là những trường có đông học sinh DTTS, bà Thái Thị Mỹ Bình, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) khẳng định.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.