Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác tích cực giữa thầy và trò: Nâng cao hiệu quả từng tiết học

15:13, 04/01/2013

Trong thực tế có không ít giờ học chỉ diễn ra một chiều theo kiểu thầy giảng - trò nghe, thầy đọc - trò chép, làm tiết học trở nên đơn điệu và buồn tẻ.

Nguyên nhân là bởi một bộ phận học sinh lười học, ít chuẩn bị bài ở nhà trước khi đến lớp; nhiều học sinh có thói quen đợi đến lớp chờ thầy cô giảng rồi chép vào vở; một số học sinh biết đáp án của câu hỏi mà giáo viên đưa ra nhưng rụt rè và ngại trả lời trước đám đông… Bên cạnh đó phương pháp giảng dạy của một số thầy, cô giáo còn hạn chế, chưa cuốn hút, sinh động, thiếu những câu hỏi hay, kích thích sự suy nghĩ, tìm tòi cho học sinh, còn nặng về đọc - chép. Có những câu hỏi đặt ra lại chung chung, có trong sách giáo khoa làm học sinh nhàm chán thậm chí xem thường và không “thèm” phát biểu.

Để kích thích tính chủ động, tích cực và tăng cường sự hợp tác của học sinh trong mỗi giờ học, trước hết, giáo viên cần thường xuyên nêu câu hỏi gợi mở. Câu hỏi gợi mở phải đi từ dễ đến khó; căn cứ vào từng tiết học cụ thể, giáo viên có thể đưa ra câu hỏi gợi mở để thu hút sự tò mò, hứng thú học tập của học sinh. Dĩ nhiên hệ thống câu hỏi gợi mở phải gắn liền với đời sống thực tiễn. Trong giờ học, học sinh phát biểu xây dựng bài nhiều lần cũng nên cho điểm để khuyến khích.

Tăng cường công tác dự giờ thăm lớp: Những tiết học có giáo viên đến dự giờ sẽ sôi nổi, ý thức học tập của học sinh được nâng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để giáo viên phát huy được sự sáng tạo của mình trong quá trình giảng dạy. Các tiết dự giờ sẽ giúp giáo viên và học sinh chủ động, tích cực hơn trong giờ học. Hoạt động này hết sức cần thiết đối với mỗi giáo viên đứng lớp hiện nay.

Xây dựng nội dung thi đua của từng lớp: Muốn nâng cao chất lượng lớp học, giáo viên chủ nhiệm phải nghiên cứu và xây dựng nội dung thi đua của lớp mình thật chặt chẽ. Trong đó có nội dung phát biểu xây dựng bài trong các giờ học, tập thói quen tiên phong cho học sinh và coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá ý thức học tập và xếp loại hạnh kiểm vào cuối mỗi học kỳ.

Tóm lại, sự hợp tác tích cực, hiệu quả giữa thầy và trò trong từng tiết học sẽ là con đường quan trọng nhất để học sinh từng bước chiếm lĩnh kiến thức của bài học, qua đó giáo viên rất dễ điều chỉnh phương pháp truyền đạt của mình để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trong trường phổ thông hiện nay.

Thu Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.