Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối tình trạng bạo lực học đường trong trường phổ thông

08:17, 18/01/2013

Hiện nay tình trạng bạo lực học đường trong các trường phổ thông diễn ra khá phổ biến, mang tính báo động, trở thành mối quan tâm của toàn xã hội bởi những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.

Trong nhiều vụ bạo lực được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến gần đây, không ít những vụ bạo lực đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác và tinh thần cho các nạn nhân. Đó có thể là những vết xây xước nhưng cũng có thể là những vết thương nặng phải vào bệnh viện điều trị. Những em học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, thường cảm thấy bị tổn thương, lo âu và suy sụp. Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó những kẻ bắt nạt có thể khiến học sinh bị stress. Thậm chí, tình trạng này có thể ám ảnh kéo dài suốt cuộc đời. Nhiều học sinh không dám đi học hoặc không thể tập trung vào công việc học hành. Những em bị bắt nạt thường bị cô lập nên không muốn đến trường vì sợ bị đánh. Nếu tình trạng bị bắt nạt kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến học tập và còn có tác hại rất lớn đến sự phát triển nhân cách của các em. Có thể nói, những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần đều trực tiếp ảnh hưởng đến công việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời.

Các bậc phụ huynh có con em đánh nhau với bạn bị nhà trường xử phạt, bị cha mẹ nạn nhân lên tiếng thì cách xử lý phổ biến nhất thường được họ lựa chọn là chửi mắng, trách móc, hoặc đánh đập con em mình. Điều đó đồng nghĩa với việc gieo cho học sinh vi phạm nỗi bực tức và làm nảy sinh mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Không khí gia đình sẽ trở nên căng thẳng nếu như cha mẹ cứ đổ lỗi cho nhau về việc quản lý và giáo dục con. Không những thế nếu những hành vi bạo lực của học sinh để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác thì gia đình phải mất thêm một khoản tài chính lớn để giải quyết hậu quả. Trước thực trạng bạo lực học đường trở nên nghiêm trọng thì sự lo lắng của các bậc phụ huynh càng được đẩy lên cao, không chỉ lo lắng cho việc học mà còn lo lắng cho sự an toàn của con cái, lo lắng cho tương lai và cả tính mạng của con mình.

Bạo lực học đường đã đến lúc báo động (Ảnh minh họa)
Bạo lực học đường đã đến lúc báo động (Ảnh minh họa)

Đối với nhà trường, hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí đến lớp học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an. Đôi khi, người lớn, cả thầy cô lẫn cha mẹ, có khi không hay biết, xem đó như là một phần tự nhiên của tuổi mới lớn nên để các em tự giải quyết mà không biết rằng những hành vi bạo lực được lặp đi, lặp lại nhiều lần sẽ gây ra những tổn thương thể chất hoặc tâm lý cho nạn nhân, và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường học tập chung.

Thiết nghĩ, giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn bạo lực học đường hiện nay đầu tiên là tuyên truyền, giáo dục học sinh để tác động đến ý thức của học sinh về truyền thống dân tộc, nhân cách, lối sống và ý thức chấp hành luật pháp. Tiếp đến là xây dựng và hoàn thiện các chính sách pháp luật đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; xây dựng củng cố các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan chức năng có liên quan. Việc xử lý học sinh vi phạm pháp luật, bạo lực học đường chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh sửa chữa sai lầm trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, đối với những học sinh vi phạm pháp luật, có hành vi xấu cần được xử lý ngay tại cộng đồng để phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, tổ dân phố, gia đình, nhà trường… Các trường học cũng nên thành lập đội cờ đỏ, đội thanh niên xung kích và đường dây nóng để kịp thời báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm, giám thị những biểu hiện tiêu cực của học sinh trong lớp nhằm nhắc nhở, ngăn chặn, uốn nắn, giáo dục ngay trước khi sự việc xấu xảy ra. Đặc biệt, các trường học cần chú trọng đến mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh để trao đổi và giáo dục với những học sinh cá biệt…

Đoàn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.