Trường Đại học Tây Nguyên: Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên
Nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên (SV) được xem như là cuộc tập dượt giúp các em có cơ hội vận dụng kiến thức để thực hiện các ý tưởng khoa học từ khi còn đi học. Do đó, SV rất cần được hỗ trợ, khuyến khích tham gia.
Sinh viên Khoa Y - Dược Trường Đại học Tây Nguyên thực hành trên máy. |
NCKH là sức sống của một trường đại học, vì vậy trong những năm qua Trường Đại học Tây Nguyên đã quan tâm, khuyến khích SV tham gia sân chơi trí tuệ này. Hầu hết các khoa, bộ môn đều tham gia thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo để tăng cường năng lực NCKH cho SV. Đặc biệt, từ năm 2006 nhà trường thay đổi một số nội dung trong quy định hoạt động NCKH theo hướng có lợi cho SV: thay vì nghiên cứu độc lập, SV có thể kết hợp với cán bộ giảng dạy cùng thực hiện đề tài NCKH; tăng kinh phí thực hiện đề tài có sự tham gia của SV. Nhờ đó số lượng SV đăng ký tham gia NCKH tăng lên. Chỉ từ năm 2010-2012 toàn trường có 70 đề tài NCKH được thực hiện dưới hình thức kết hợp giảng viên với SV, cá nhân hoặc nhóm SV. Trong đó có nhiều đề tài đạt giải cao, tiêu biểu như 1 giải Nhì, 2 giải Ba Vifotec (giải sáng tạo khoa học Việt Nam); 2 giải Nhì, 3 giải Ban nghiên cứu khoa học cấp Bộ; giải Nhì toàn đoàn nghiên cứu khoa học khối Nông-Lâm-Ngư toàn quốc; giải Nhì kỳ thi Olympic Vật lý toàn quốc năm 2012. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hè, Phó trưởng Phòng Khoa học và Quan hệ quốc tế (Trường Đại học Tây Nguyên) khẳng định: “Kết quả này đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế của nhà trường. Quan trọng hơn NCKH giúp sinh viên củng cố, tổng hợp và nâng cao kiến thức đã học, làm quen với phương pháp tư duy, có cơ hội đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề cụ thể mà chuyên môn đặt ra”. Đồng quan điểm trên, thầy Phạm Thanh Hùng, Chi đoàn cán bộ - Đoàn khoa Kinh tế cho rằng: “Nếu chỉ đơn thuần tiếp thu những kiến thức được giảng dạy trên lớp thì quá trình học tập của SV mới diễn ra được một nửa. Hiện nay, xã hội yêu cầu SV ra trường ngoài khả năng ứng dụng những kiến thức thành tựu có sẵn còn cần khả năng sáng tạo. Muốn làm được điều này cần phải có quá trình làm quen dần, mà một trong những cách hiệu quả nhất là tham gia NCKH. Một công trình NCKH đòi hỏi rất nhiều tâm huyết cũng như thời gian vì vậy người tham gia phải có thái độ làm việc nghiêm túc. Điều này không dễ với SV, nhưng khi tham gia NCKH, các em sẽ dần dần luyện được tính kiên nhẫn, kiên định với mục tiêu đặt ra”.
Bên cạnh những kết quả đạt được việc NCKH của sinh viên cũng gặp những trở ngại. Tại Hội thảo khoa học “Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên” do Đoàn trường tổ chức vào cuối tháng 12-2012, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hè thẳng thắn nhìn nhận: “Những NCKH của SV trong thời gian qua còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do SV chưa nhận thức được những lợi ích từ việc NCKH. Bên cạnh đó, nhiều SV không biết hoặc gặp khó khăn trong thủ tục đăng ký đề tài, thậm chí SV muốn tham gia nghiên cứu khoa học nhưng không biết bắt đầu từ đâu, các bước tiến hành như thế nào?”. SV Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Thị Thúy Liễu (Chi đoàn Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường K09 - Đoàn khoa Nông - Lâm nghiệp) chia sẻ: “Trong muôn vàn lĩnh vực khoa học, ngành nghề, để phát triển những ý tưởng thành nghiên cứu không phải là chuyện đơn giản, nên phần lớn đề tài nghiên cứu của SV thường phụ thuộc vào ý tưởng của giáo viên hướng dẫn, sách báo. Mặc dù khi thực hiện đề tài đã là SV năm thứ 3 song kiến thức, kỹ năng và phương pháp để NCKH còn rất ít”. Với SV Nguyễn Thị Bích Nguyệt (Chi đoàn Khoa cây trồng K09 thuộc Đoàn Khoa Nông - Lâm nghiệp) việc tìm kiếm tài liệu mất rất nhiều thời gian và chưa hiệu quả. Thông thường SV sẽ tìm kiếm nhiều tài liệu, thậm chí có những tài liệu không cần thiết và không liên quan đến đề tài nghiên cứu, trong khi đó các tài liệu liên quan và thực sự cần thiết với đề tài lại không tìm được; đôi khi còn gặp mâu thuẫn trong quan điểm của cùng một vấn đề ở nhiều tài liệu khác nhau…”. Đáng quan ngại, một số SV cho rằng, thời gian học đại học không nhiều, nên tập trung học tốt từng học phần hơn là NCKH.
NCKH là lựa chọn con đường đầy chông gai, nhưng khi đi đến hết con đường là một thành công vì những gì gặt hái được. Đó không chỉ là những lợi ích mang tính vật chất mà chính là kỹ năng, khả năng tư duy-nền tảng kiến thức vững chắc cho hoạt động nghề nghiệp tương lai của SV. Do đó, để NCKH SV cần có mục đích nghiên cứu đúng đắn, hình thành nhóm có cùng sở thích, lập kế hoạch nghiên cứu cụ thể và cố gắng thực hiện đúng tiến độ công việc. Ngoài ra phải chủ động liên hệ với những người có kinh nghiệm NCKH hoặc các thầy, cô giáo có chuyên môn về lĩnh vực đó để được hỗ trợ khi gặp khó khăn hoặc cần kiểm tra lại hướng nghiên cứu. Quan trọng hơn hết là không nên có tâm lý chán nản và có suy nghĩ bỏ cuộc, thạc sĩ Phạm Trọng Lượng, Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên khẳng định.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc