Multimedia Đọc Báo in

Cho khát vọng vươn xa

00:19, 10/02/2013

Bằng ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, những năm qua, tuổi trẻ tỉnh nhà đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển của địa phương. Và Đoàn thanh niên các cấp luôn là nơi khởi nguồn cho những phong trào hành động cách mạng, chắp cánh cho khát vọng của tuổi trẻ vươn xa.

Từ “vườn ươm” ở trường đại học…

Thời gian qua, phong trào sáng tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) của Trường Đại học Tây Nguyên phát triển khá mạnh và lan tỏa sâu rộng, khơi nguồn nhiều ý tưởng sáng tạo, đề tài, công trình NCKH của tuổi trẻ.

Đánh giá về hoạt động NCKH của sinh viên, anh Phạm Trọng Lượng, Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ: “Để kịp thời phát hiện những “điểm sáng” trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN), hằng năm Đoàn trường đều tổ chức các hội thảo công bố cách thức đăng ký đề tài và những nội dung nhà trường sẽ chú trọng trong 2 năm sau đó để ĐVTN định hình và đưa ra ý tưởng. Khi ĐVTN đăng ký, Đoàn trường sẽ lựa chọn những đề tài thiết thực và làm cầu nối để giáo viên chuyên môn hướng dẫn sinh viên làm thuyết minh. Sau khi hoàn thiện, đề tài của ĐVTN sẽ được chuyển cho Hội đồng khoa học nhà trường xem xét, đánh giá, nếu được thông qua sẽ nhận khoản kinh phí hỗ trợ để thực hiện khoảng 15 triệu đồng/đề tài. Quy trình này thực hiện xuyên suốt, gối đầu qua từng năm để tránh bỏ sót đề tài hay, bồi đắp kịp thời cho những ý tưởng sáng tạo trong ĐVTN...”. Với cách làm ấy, Đoàn trường Đại học Tây Nguyên đã khích lệ, động viên tinh thần sáng tạo của sinh viên, làm dấy lên phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học trong nhà trường, qua đó đã đem lại những kết quả không nhỏ. 5 năm qua, toàn trường có 102 sinh viên và nhóm nghiên cứu được nhận các giải thưởng khoa học lớn như: Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam - Vifotech, nghiên cứu khoa học cấp Bộ, nghiên cứu khoa học Nông-Lâm-Ngư; Olympic Vật lý, Phát minh xanh Sony; y học và sức khỏe cộng đồng; dịch tễ học… Đặc biệt, nhiều đề tài được đánh giá cao và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, xã hội nói chung, sự phát triển của địa phương nói riêng. Đơn cử như đề tài "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý phế thải của công nghệ chế biến ướt cà phê" do nhóm sinh viên lớp trồng trọt K.2001 Khoa Nông lâm thực hiện đoạt giải Nhất cuộc thi Phát minh xanh Sony toàn quốc năm 2004, đã mở ra một hướng đi mới cho nông dân trên địa bàn trong việc tận dụng vỏ cà phê để làm các sản phẩm rượu vang, phân hữu cơ vi sinh, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa giải quyết được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hay như Dự án “Đồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc” là đề tài bám sát cuộc sống, có tính thực tiễn rất cao, giúp người dân tuyển chọn và xác định các giống cỏ thích hợp với khí hậu địa phương. Đến nay, dự án đã được nhân rộng và triển khai ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.

a

Phong trào nghiên cứu khoa học ngày càng lan tỏa sâu rộng trong tuổi trẻ trường Đại học Tây Nguyên. (Ảnh: K.O)

Để thực sự trở thành “vườn ươm sáng tạo trẻ” cho ĐVTN, anh Lượng cho biết, thời gian tới Đoàn trường Đại học Tây Nguyên sẽ thường xuyên đồng hành và tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học, hội thảo, các chuyên đề mang tính công nghệ cao nhằm khuyến khích sinh viên say mê nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận thiết bị công nghệ cao trong nghiên cứu khoa học dưới 3 hình thức: quan sát, vận hành từ sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ nghiên cứu và làm việc độc lập với kỹ năng được đào tạo. Đồng thời, Đoàn trường cũng sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có thêm những chính sách hỗ trợ sinh viên trong việc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học lớn hoặc đoạt các giải quốc gia về học tập và nghiên cứu khoa học.

 …đến “tiếp lửa” ngoài thực tiễn

Cũng giống như Đoàn trường Đại học Tây Nguyên, nhận thức rõ sức sáng tạo của tuổi trẻ là nguồn tài nguyên vô hạn, song từ ý tưởng đi đến thực tiễn là cả một chặng đường dài và cần được bồi đắp bởi nhiều yếu tố khác nên những năm qua, Huyện Đoàn Cư Kuin đã mạnh dạn triển khai phong trào “Bốn mới” - kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới -  nhằm “tiếp lửa” cho ĐVTN hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo của mình. 

Ngoài việc tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho ĐVTN vay vốn, hỗ trợ tiếp cận với vốn “Khởi nghiệp”, Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm thông qua kênh Trung ương Đoàn, hướng dẫn lập các dự án vay vốn phát triển kinh tế tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành lập các câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”…, Huyện Đoàn còn phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình trình diễn và khuyến khích các chi đoàn thành lập 27 tổ, nhóm đổi công. Được “tiếp lửa”, ĐVTN đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phát huy tiềm năng, thế mạnh của gia đình, địa phương, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình và gương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi. Chẳng hạn như trang trại VAC được quy hoạch khoa học, hợp lý của thanh niên Lê Đình Tuấn ở thôn 8 (xã Ea Hu). Từ những kiến thức, kỹ năng tiếp nhận được qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của tổ chức Đoàn, anh đã mạnh dạn phát triển mô hình đa cây, đa con gồm cà phê, tiêu, lúa, rau xanh, chăn nuôi gà, heo, cá trên diện tích 1,6 ha đất của gia đình. Nhằm tiết giảm chi phí đầu tư, anh xây dựng hầm biogas giúp xử lý phế phẩm chăn nuôi, ủ phân vi sinh bón cho cây trồng; trồng rau muống nước trên mặt ao, trồng lúa cao sản tạo thêm nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Dẫn chúng tôi thăm quan trang trại, anh Tuấn cười nói: “Nhờ sự “tiếp sức” của Đoàn và nỗ lực của bản thân mà mỗi năm tôi cũng thu được lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng”. Anh Lê Ngọc Hoàng, Bí thư chi đoàn thôn Kim Châu (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng trở về địa phương đã mở tiệm sửa chữa điện tử điện lạnh nuôi khát khao trở thành “ông chủ” để giúp đỡ thanh niên trong thôn làm ăn. Bằng sức trẻ dám nghĩ, dám làm, Hoàng nhanh chóng phát triển tiệm điện thành Công ty TNHH Kỹ thuật Điện Ngọc Hoàng có tiếng ở thôn Kim Châu, bước đầu đã đào tạo nghề miễn phí cho 14 thanh niên địa phương và giới thiệu, tạo việc làm cho họ có mức thu nhập trung bình trên 2 triệu đồng/người/tháng. Thành công bước đầu này là cơ sở để Hoàng mạnh dạn xây dựng dự án dạy nghề cho thanh niên địa phương và được Trung ương Đoàn “tiếp sức” thông qua việc hỗ trợ vốn “Khởi nghiệp”. Hoàng cho biết: “Với số vốn “Khởi nghiệp” 70 triệu đồng, hiện tôi đang đào tạo nghề điện lạnh, điện cơ, điện công nghiệp, dân dụng miễn phí cho 5 thanh niên địa phương, trong đó có 2 học viên dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm đối tượng học nghề là bộ đội xuất ngũ, con em gia đình chính sách…”. Qua triển khai “Bốn mới”, toàn huyện Cư Kuin đã có trên 100 ĐVTN xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả với lợi nhuận từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Nhiều mô hình trở thành điểm tham quan học tập, nhân rộng, giúp nhiều ĐVTN khác định hướng làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

a
Anh Lê Ngọc Hoàng (thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn kỹ thuật sửa chữa điện lạnh cho học viên. (Ảnh: Nguyễn Xuân)

Có thể khẳng định, với vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, động viên, khuyến khích ĐVTN sáng tạo, tham gia tích cực vào mọi mặt đời sống xã hội, thông qua những hoạt động của mình, Đoàn trường Đại học Tây Nguyên và Huyện Đoàn Cư Kuin đã “tiếp lửa” để làm dấy lên nhiều phong trào thiết thực trong thế hệ trẻ, tạo được hiệu quả xã hội cao, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước nói chung, tỉnh Dak Lak nói riêng ngày càng giàu mạnh. 

Kim Oanh- Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc