Multimedia Đọc Báo in

Gian nan xây dựng trường Chuẩn quốc gia

14:35, 22/02/2013

Mục tiêu của ngành Giáo dục đặt ra đến năm 2015 toàn tỉnh có thêm 166 trường học các cấp được công nhận đạt Chuẩn quốc gia. Song đây lại là chặng đường đầy chông gai bởi nhiều khó khăn…

a
Học sinh Trường THCS Trần Phú xã Ea Tân (huyện Krông Năng) tại Lễ đón nhận Bằng công nhận đạt Chuẩn quốc gia.

Nhiều điểm trường lẻ
Cuối năm 2012 toàn tỉnh có 243 trường học các cấp đạt Chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 26,12% tổng số trường, song có một thực tế tỷ lệ trường đạt Chuẩn giữa các cấp học khá chênh lệch. Cụ thể bậc tiểu học có tỷ lệ trường đạt Chuẩn cao nhất 35,97%, trung học cơ sở 24,77%, mầm non 13,61% và trung học phổ thông 9,61%. Với tỷ lệ 13,61% ngành mầm non không phải là bậc học có tỷ lệ trường đạt Chuẩn thấp nhất, tuy nhiên từ thực tế cho thấy công tác xây dựng trường đạt Chuẩn ở bậc học này có nhiều điều cần suy nghĩ. Nếu như cấp trung học cơ sở, phổ thông cơ sở duy nhất chỉ còn huyện Ea Súp trắng trường đạt Chuẩn thì đến thời điểm này toàn tỉnh vẫn còn 3 đơn vị là huyện  Ea H’leo, Krông Buk và thị xã Buôn Hồ chưa xây dựng được trường học mầm non đạt Chuẩn. Ông Ngô Văn Hòa, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ea H’leo cho biết: Theo Quy chế công nhận trường mầm non đạt Chuẩn quốc gia, mỗi trường mầm non có không quá 3 điểm trường, tuy nhiên do điều kiện địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt... nên các điểm trường lẻ được hình thành hầu hết ở các thôn, buôn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Cùng khó khăn trên, ông Trần Quốc, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông chia sẻ: “Sau nhiều năm phấn đấu, đến cuối năm 2012 Trường Mầm non thị trấn Krông K’mar - ngôi trường mầm non đầu tiên của huyện đã được UBND tỉnh công nhận đạt Chuẩn quốc gia mức độ I. Đây là động lực để ngành dốc toàn lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch xây dựng 3 trường mầm non đạt Chuẩn trong giai đoạn 2013-2015. Toàn huyện Krông Bông có 15 trường mầm non, nhưng có đến 81 điểm trường, điều này đặt ra nhiều thách thức trên lộ trình xây dựng trường đạt Chuẩn”.
Thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong suốt một thời gian dài bậc học này gần như bị “bỏ quên”, nên cơ sở vật chất của hầu hết các điểm trường lẻ đều xuống cấp, không bảo đảm được yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Ngành học này chỉ thực sự được quan tâm  khi có đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015.  

B
Lãnh đạo Sở GD-ĐT kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (xã Dak Liêng, huyện Lak).

Vẫn là chuyện thiếu kinh phí
“Giai đoạn 2013-2015, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 166 trường học các cấp đạt Chuẩn quốc gia, trong đó ít nhất mỗi năm cần xây dựng 52 trường. Dẫu ai cũng nhìn thấy rõ sự quan trọng và tính cấp thiết của công tác xây dựng trường Chuẩn nhằm cải thiện môi trường dạy-học, nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng hầu hết những trường có khả năng đạt Chuẩn đã được tập trung đầu tư để công nhận đạt Chuẩn ở giai đoạn trước, do đó chặng đường sắp tới đầy gian nan”, ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết. Khó khăn nhất vẫn là kinh phí. Do đó không ít đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và phòng giáo dục đã tỏ ra lo lắng về chỉ tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2013-2015. Năm 2012, mặc dù số trường được công nhận đạt Chuẩn vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao, nhưng  trong tổng số 60 trường đăng ký chỉ có 39 trường đạt Chuẩn. Một số trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nằm trong kế hoạch xây dựng Chuẩn quốc gia năm 2012 còn thiếu phòng làm việc của Ban giám hiệu, phòng y tế học đường, các phòng chức năng, phòng tin học, trang thiết bị phục vụ giảng dạy mới được trang bị ở mức tối thiểu, diện tích khuôn viên nhà trường chưa bảo đảm quy định 6m2/học sinh đối với khu vực đô thị và 10m2/ học sinh đối với khu vực nông thôn. Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất hằng năm chưa đáp ứng đủ  nhu cầu xây dựng hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập, nhà đa chức năng, bếp nấu ăn cho học sinh bán trú… Ông Ngô Văn Hòa, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ea H’leo cho biết: “Năm 2012, huyện được cấp 1,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 5 trường đạt Chuẩn. Vì vậy buộc phải ưu tiên kinh phí cho những trường gần đạt Chuẩn”. Nếu như những trường ở khu vực có điều kiện kinh tế phát triển thiếu quỹ đất nên không thể vươn tới Chuẩn dù đã vượt chuẩn về chất lượng đội ngũ, đầu tư trang thiết bị, chất lượng giáo dục, thì những trường ở vùng sâu vùng xa lại chật vật về kinh phí đầu tư cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy-học. Cô Mai Thị Phương Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) chia sẻ: “Với những hạng mục đầu tư nhỏ như cổng trường, tường rào, sân trường, hoa viên, nhà để xe… nhà trường có thể huy động sự tự nguyện đóng góp của phụ huynh học sinh, còn những công trình lớn như phòng học, phòng chức năng, thư viện cần sự đầu tư đồng bộ của Nhà nước”. Tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng trường Chuẩn quốc gia năm 2012 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2013-2015, Sở GD-ĐT đã nhận định: những địa phương không hoàn thành kế hoạch đăng ký xây dựng trường Chuẩn là do chưa khảo sát, đánh giá thực tế các trường đăng ký xây dựng trường chuẩn nên việc lập kế hoạch chưa sát và địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Vì vậy, chặng đường tiến tới Chuẩn quốc gia của các trường trong giai đoạn 2013-2015 không chỉ cần sự hỗ trợ về đất đai, kinh phí mà còn cần cả sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương với mục tiêu chung là chăm lo tốt nhất cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

Nguyên Hoa


 


Ý kiến bạn đọc