Sự học nơi bản Mông
Cộng đồng người Mông ở thôn Ea Nơh Prông (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) còn nghèo lắm, nhất là điều kiện học tập nhưng họ luôn ý thức được rằng muốn thoát khỏi cái nghèo, lạc hậu thì phải học chữ nên ngày càng có nhiều học sinh vượt khó đến trường…
Mang cái chữ về gieo trên vùng đất mới
Ngày em Lý Thị Dung nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak, thôn Ea Nơh Prông vui như có hội bởi sau 15 năm định cư trên quê hương mới lần đầu tiên trong thôn có người thành sinh viên. “Nhập học đã gần 3 tháng nhưng em vẫn còn cảm giác lâng lâng của lúc nhận được giấy báo trúng tuyển cao đẳng, mỗi lần bước chân vào giảng đường em vẫn cứ ngỡ mình đang mơ vậy. Tờ giấy báo trúng tuyển mỏng manh ấy đã mở ra một trang mới với nhiều niềm vui và hy vọng”, Dung chia sẻ. Để thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo tiểu học là hành trình gian nan, vất vả, nhiều lúc cô sinh viên người Mông này cũng phải tự “phục mình”. Khi Dung học hết học kỳ I năm học lớp 3, gia đình chuyển từ xã Cư K’nia (huyện Cư Jút, tỉnh Dak Nông) về thôn Ea Nơh Prông (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông). Còn quá nhỏ để thấu hiểu những khó khăn vất vả nhưng Dung cảm nhận được lớp học ở nơi mới đến không đẹp bằng trường học cũ. Nỗi nhọc nhằn, cơ cực càng nhân lên khi Dung phải chuyển ra điểm trường chính ở trung tâm xã Hòa Phong để học lớp 4 vì trong thôn chưa có lớp. Đoạn đường từ nhà đến trường đồi dốc quanh co lại phải qua một cây cầu gỗ chông chênh bắc qua sông Krông Ana rất hung dữ vào mùa mưa, có hôm ôm cặp ra đến cầu rồi phải quay về vì cầu đã bị nước lũ cuốn trôi. Một tai nạn từ năm học lớp 6 đến bây giờ Dung vẫn chưa hết sợ. Lúc qua cầu Dung và bạn gái cùng thôn bị một người điều khiển xe máy lấn đường khiến Dung cùng chiếc xe đạp rớt xuống sông. Nước sông cuồn cuộn chảy những may thay lúc hoảng loạn em ôm được trụ cầu và thoát chết. Từ dạo ấy, cứ vào ngày mưa mẹ hoặc chị gái phải dẫn em qua cầu. Lên cấp 3, đường đến trường hơn 15 km, hằng ngày Dung phải gồng mình đạp xe đi học từ 5 giờ sáng và hơn 19 giờ mới về đến nhà. “Nhiều lúc thấy con gái học hành quá vất vả, mẹ và các anh chị khuyên nghỉ học, nhưng em nhất quyết không nghe bởi bỏ học đồng nghĩa với việc lấy chồng sớm và chôn chặt ước mơ làm cô giáo của mình. Đồng bào Mông ở thôn vẫn còn nhiều người biết tiếng phổ thông, cô giáo lại “mù” tiếng Mông, nếu có những giáo viên là người Mông việc ươm mầm chữ sẽ bớt khó khăn hơn. Cùng suy nghĩ trên, chị gái của Dung là Lý Thị Vang và bạn cùng thôn Hoàng Thị Mè đã chọn ngành sư phạm khi chưa hoàn thành chương trình THPT với hy vọng mang con chữ về gieo lại trên quê hương mới”, Dung tâm sự.
Lớp học tạm bợ nhưng thầy trò tại điểm trường thôn Ea Nơh Prông vẫn say sưa học tập |
Nuôi con chữ trên nền đất
Hơn 15 phút đi xe máy từ trung tâm xã Hòa Phong chúng tôi đến điểm trường thôn Ea Nơh Prông khi mùa Xuân đang đến thật gần. Con đường mòn gồ ghề, trơn trượt luôn là “nỗi ám ảnh” của thầy cô, giáo và học sinh vừa được nâng cấp bằng phẳng hơn cùng với một cây cầu gỗ bắc qua sông Krông Ana, tuy nhiên trường, lớp của các em thì vẫn là nhà “tạm”. Tôi không khỏi nhói lòng bởi đã đến nhiều nơi trong tỉnh nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến một điểm trường có cơ sở vật chất nghèo nàn đến vậy. Lớp học dựng bằng cây rừng, mái lợp tranh, thưng che bằng những tấm ván thưa, nền đất… mỗi khi có xe máy chạy qua cả thầy và trò phải đưa tay che miệng vì bụi, còn trời mưa nước theo các cọng tranh, nước tạt qua vách nhà làm ướt sách vở, quần áo, mùa đông thì gió lạnh lùa vào tứ phía... Cô giáo Ngô Thị Huệ Phương (chủ nhiệm lớp 5D) cho biết, điểm trường có hơn 300 học sinh tiểu học và gần 50 cháu mẫu giáo. Các em chăm học lắm, trời nắng, trời mưa đều cố gắng đến lớp. Có học sinh bố mẹ đi rẫy xa phải nghỉ học ở nhà trông em nhưng đã biết mượn vở của bạn chép lại bài và làm bài tập về nhà; sáng hôm sau đến tìm cô giáo giảng lại bài vì không hiểu. Mỗi lớp học có khoảng 30 học sinh nhưng chỉ độ vài em tiếp thu tiếng Việt tốt nên cô giáo thường nhờ các bạn này giảng lại bằng tiếng Mông để cả lớp cùng hiểu bài.
Nhìn học sinh hằng ngày đi học bằng chân đất, áo quần không đủ mặc, lấm lem bùn đất nhưng vẫn chăm chỉ đến trường, những khó khăn vất vả của các thầy cô giáo gần như tan biến thay vào đó là sự thương cảm. Vì vậy hành trang mỗi ngày đến lớp của các thầy, cô giáo ngoài giáo án còn có thêm quần áo cũ, cuốn vở, quyển sách hay cây bút chì cho các em và trên hết là tình thương vô bờ bến đối với học sinh. Cô Dương Thị Cúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 2H tâm sự: “Trước năm 2011, đường sá chưa được như bây giờ, mùa nắng thầy cô muốn vào trường phải mất hơn 1 giờ; mùa mưa phải gửi xe máy ở nhà dân ở ngoài tỉnh lộ 12 hoặc gần chân cầu rồi lội bộ vào trường. Giáo viên nào được phân công vào thôn Ea Nơh Prông dạy học, sau một năm quay trở ra đều có vài vết thẹo làm kỷ niệm do đường trơn té ngã, có trường hợp cả người và xe máy cùng rơi xuống sông”. Nhưng bù lại bà con Mông rất quý giáo viên, những hôm trời mưa đều có người đứng ở đầu cầu dắt xe máy giúp các cô giáo hoặc dùng xe trâu chở các thầy cô giáo vào trường. Ngay những lớp học tạm bợ này cũng do bà con trong thôn tự huy động ngày công lên rừng chặt cây, cắt tranh về dựng cho con em học tập. Cứ vào mỗi mùa tựu trường bà con lại cùng nhau san nền, sân trường, lợp lại mái, thưng lại vách để các em có nơi học tập, điều này làm cho các thầy cô giáo càng cảm động và gắn bó với trường lớp hơn. Nếu như trước đây, các em thường nghỉ học ở nhà theo cha mẹ lên nương, lên rẫy hoặc lấy vợ lấy chồng thì hiện nay đã chăm học. Năm học 2011-2012, điểm trường thôn Ea Nơh Prông chỉ có 3 em bỏ học và năm học này đến nay chưa có em nào bỏ học cho dù đang là ngày mùa, thầy Trần Khánh Dư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Phong bộc bạch.
Khát vọng tìm kiếm con chữ, ước mơ trở thành giáo viên, mang cái chữ về gieo lại trên quê hương mới của con em người Mông thôn Ea Nơh Prông không còn diệu vợi khi điểm trường THCS với 4 phòng học kiên cố khang trang thuộc Dự án quy hoạch sắp xếp ổn định dân di cư ngoài kế hoạch dành cho thôn đã hoàn thành. Không bao lâu nữa điểm trường mầm non 5 phòng và điểm trường tiểu học 8 phòng với tổng kinh phí đầu tư khoảng 8,5 tỷ đồng cũng sẽ được đầu tư xây dựng tại đây. Cùng với đó con đường nối tỉnh lộ 12 vào thôn dài hơn 5km được nâng cấp và cầu treo bắc qua sông Krông Ana-cây cầu độc đạo nối thôn và tỉnh lộ 12 cũng đang được xây dựng, mở ra một trang mới cho người Mông ở thôn Ea Nơh Prông, ông Y Liệu Niê, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết. |
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc