Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Giữ ổn định chỉ tiêu
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2013 sẽ giữ ổn định chỉ tiêu, đồng thời khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật...
Năm 2012, cả nước có 370 lượt trường tổ chức thi với 2.023.541 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), giảm 160.089 hồ sơ, tương đương giảm xấp xỉ 7,3% so với năm 2011. Số hồ sơ ĐKDT giảm cho thấy tác động tích cực, có hiệu quả của công tác hướng nghiệp ở các trường THPT, công tác tư vấn tuyển sinh của các trường và các cơ quan thông tấn báo chí, để thí sinh có cân nhắc, lựa chọn đúng đắn, phù hợp hơn trong đăng ký dự thi.
Theo báo cáo của 342 đại học, học viện, trường đại học và trường cao đẳng, đến hết ngày 31-12-2012, các trường đã xét tuyển và triệu tập 462.163 thí sinh trúng tuyển nhập học, đạt 83% so với chỉ tiêu, trong đó các trường đại học tuyển được 266.524 thí sinh, đạt 88% và các trường cao đẳng tuyển được 195.639 thí sinh, đạt 78% .
Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, các trường đã xét tuyển được 2.638 thí sinh có hộ khẩu thường trú, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo vào học đại học (2.435 thí sinh) và cao đẳng (203 thí sinh).
Kết thúc mùa tuyển sinh 2012, một số trường tuyển không đủ chỉ tiêu hoặc tuyển được số lượng thí sinh ít. Theo phân tích của Bộ GD-ĐT, về chủ quan nguyên nhân là do các trường không có sức thu hút đối với thí sinh, chưa khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình trong xã hội; Các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa chuẩn bị đầy đủ, thiếu thốn; Ngành đào tạo đơn điệu, tập trung chủ yếu các ngành thuộc khối kinh tế - quản trị kinh doanh, thiếu các ngành khối kỹ thuật – công nghệ; Một số trường đóng ở các địa phương, tỉnh lẻ, không xa so với các khu đô thị, thành phố lớn;
Việc khó khăn trong tuyển sinh cũng bắt nguồn từ thực trạng tình hình kinh tế đất nước khó khăn, hàng vạn doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, tác động đến tâm lý của thí sinh, nhất là thí sinh đăng ký dự thi vào các trường, các ngành khối kinh tế - quản trị kinh doanh; Thí sinh ở các địa phương vùng cao, vùng sâu (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ) lại có nguyện vọng về học các trường ở thành phố lớn, có cơ hội học thêm, làm thêm và tìm kiếm việc làm; Một số trường công lập tốp trên (kể cả trường tư thục đã khẳng định được thương hiệu) không những chỉ tiêu nhiều, mà còn tuyển vượt chỉ tiêu, làm cho nguồn tuyển vào các trường khác bị hạn chế; Việc kéo dài thời hạn xét tuyển và cho một số trường thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ hạ điểm sàn và tổ chức học dự bị, cũng gây khó khăn cho một số trường trong việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh.
Một trong những hạn chế, yếu kém của kỳ tuyển sinh 2012 là việc tính toán các điều kiện bảo đảm chất lượng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường không đúng, thiếu chính xác, vượt quá năng lực và các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường. Có trường không còn đủ năng lực để tuyển sinh, nhưng vẫn xác định và đề xuất chỉ tiêu tuyển mới năm 2012.
Năm 2013, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy sẽ giữ ổn định. Chỉ tiêu liên thông đại học, cao đẳng chính quy được xác định trong tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng chính quy của trường và chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu này; chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy. Bộ cũng tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học theo lộ trình giảm 20%/năm và chấm dứt đào tạo trung cấp trong các trường đại học trước năm 2017.
Nguồn GD&TĐ
Ý kiến bạn đọc