Multimedia Đọc Báo in

Ươm mầm non nơi vùng biên

07:06, 14/02/2013

Vượt qua muôn vàn thiếu thốn về đời sống vật chất, tinh thần cũng như điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bằng nhiệt huyết, và trách nhiệm của tuổi trẻ, những giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) với kiến thức, lòng đam mê nghề nghiệp vẫn miệt mài gieo chữ nơi xã vùng biên…

Mảnh đất níu chân người.

Năm nay vừa tròn 30 tuổi, song thầy giáo Đậu Đức Quyết đã có 7 năm dạy học tại Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu. Sau khi tốt nghiệp Sư phạm Tiểu học (Trường Đại học Tây Nguyên) năm 2004, thầy tình nguyện vào dạy học tại Ia R’vê ngay khi xã mới thành lập. Xã biên giới nghèo, cơ sở vật chất, trường lớp lúc bấy giờ còn nhiều thiếu thốn, lớp học là những ngôi nhà vách ván, tranh tre được dựng lên tạm bợ. Những khó khăn ngày đầu đã phần nào làm sờn lòng người thầy giáo trẻ. Song khi chứng kiến hình ảnh những trẻ em nghèo, đi bộ hàng chục km trên những đôi chân trần dù nắng hay mưa vẫn đều đặn đến lớp đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí anh. Đất nghèo, người dân chân chất dù cực khổ nhưng vẫn khao khát cho con được đến trường đã đùm bọc các thầy cô giáo, xem như những người thân trong nhà. “Thương thầy giáo trẻ mới về trường, phải tự lo cơm nước sau khi lên lớp nên đến bữa các gia đình xung quanh thường mời tôi đến nhà dùng cơm. Những bữa cơm đạm bạc nhưng ấm áp không khí gia đình ấy phần nào đã khỏa lấp nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè nơi phố thị…”, thầy Quyết nhớ lại. Và chính những tình cảm quý mến chân thành ấy của bà con đã tiếp “lửa” cho lòng yêu nghề để thầy vượt qua mọi khó khăn, bám trụ với trường lớp. “Ngày ấy đường sá đi lại chưa thuận tiện như bây giờ, mùa mưa với những cơn mưa triền miên mịt mù trời đất, mọi sinh hoạt dường như hoàn toàn bị cách biệt với thế giới bên ngoài. Còn mùa khô thì lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cũng như cái nắng, gió khô rát đặc thù của vùng biên giới. Ấy vậy mà đất nghèo mến khách, níu chân chúng tôi bằng những tình cảm trân trọng, bằng tinh thần hiếu học của các em thơ”, thầy Đậu Đức Quyết tâm sự.

Với những thầy, cô giáo trẻ mới về trường sau này thì nhờ có các Chương trình 134, 135… điều kiện sinh hoạt cũng như cơ sở vật chất trường lớp đã khá hơn, thầy cô đã có khu tập thể riêng, song vẫn còn đó những khó khăn, thiếu thốn, nhất là những thử thách về mặt tinh thần mà nếu không yêu nghề, không gắn bó với công việc thì sẽ khó vượt qua. Đó là tâm sự của cô giáo trẻ Lê Thị Chung, quê ở Nghệ An mới vào công tác được 2 năm tại trường. “Khi mới đặt chân vào xã biên giới, nhìn thấy cơ sở vật chất, cuộc sống người dân quá vất vả, em thấy… nản lắm, ít nhiều nảy sinh tư tưởng chỉ xem đây như “bến đỗ tạm thời”, nhưng sau một thời gian gắn bó, chứng kiến cảnh học sinh thiệt thòi về mọi mặt, thấy thương các em quá nên quyết định sẽ gắn bó lâu dài với vùng biên, lấy đây làm quê hương mới để lập nghiệp, dốc tâm huyết truyền đạt kiến thức cho các em”, cô trải lòng. Cô Chung cùng các cô giáo trẻ Lê Thị Kim Lan, Trần Thị Huynh, Ngô Thị Doanh, Bùi Thị Thanh Lan, Hồ Thị Loan cùng ở khu tập thể ngay cạnh trường, đều còn rất trẻ và chưa có gia đình, có cô quê ở tận ngoài Bắc, có cô nhà ở Krông Ana, Krông Pak… nhưng đều rất ít về nhà, phần do đường sá xa xôi, phần do bận bịu với công việc dạy kèm cho học sinh ngoài giờ. “Học sinh vùng biên dù ham học, nhưng trình độ so với các bạn đồng trang lứa ở trung tâm thì vẫn có khoảng cách. Vì vậy để bảo đảm các  em theo kịp chương trình, chúng tôi tổ chức phụ đạo thêm vào những ngày nghỉ nên hầu như không có thời gian rảnh về nhà”, cô Ngô Thị Doanh nói. Ở tận vùng sâu, mải mê với việc dạy chữ, lại ít  có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài vì thế nhiều cô đã 25, 26 tuổi nhưng vẫn đương là lính “phòng không”… thế mà họ vẫn lạc quan, đùa nhau tếu táo: “Lo gì ế chồng, ở đây gần các anh lính biên phòng, thể nào cũng “bắt” được một anh làm chồng chứ!”.

Dù ngày nghỉ, nhưng cô giáo trẻ Ngô Thị Doanh vẫn ôn tập cho các em ngay tại phòng ở tập thể
Dù ngày nghỉ, nhưng cô giáo trẻ Ngô Thị Doanh vẫn ôn tập cho các em ngay tại phòng ở tập thể

Nghĩa tình thầy trò vùng biên

“Dường như ở nơi càng nghèo khó thì nghĩa tình thầy trò càng sâu nặng. Tình cảm ấy không thể đong đếm bằng vật chất mà bằng những giá trị tinh thần to lớn và có lẽ không phải ở nơi nào cũng có được”, thầy Lương Huy Du, người cũng gắn bó ngay từ những ngày đầu trường thành lập cảm nhận. Đó là những câu chuyện đầy cảm động về nghĩa tình thầy trò nơi vùng biên này. Xã có địa giới hành chính rộng, nhiều học sinh nhà nghèo, không có xe đạp đi học phải đi bộ từ 5 giờ sáng, khi đến trường thì đã đói lả, có em bị ngất xỉu. Thương học trò, thầy cô dù khó khăn cũng đóng góp, vận động thêm phụ huynh mua xe đạp tặng, giúp các em đỡ vất vả hơn khi đến lớp. Những ngày học 2 buổi, các em nhà xa mang theo cơm nắm ăn trưa ngay tại lớp, nhìn suất ăn  đạm bạc, rau muối, thầy cô không cầm lòng, gọi các em vào cùng ăn. Có những trường hợp học sinh dân tộc Mường nhà xa trường 15 km, những hôm trời mưa gió phải ở lại, do thói quen đồng bào chỉ ăn cơm nếp nên các cô phải nấu riêng cho em ăn. Cũng có không ít trường hợp thầy cô dốc tiền túi ra mua sách vở cho các em. Trăn trở với việc nâng cao kiến thức cho học sinh nghèo vùng biên, các thầy cô đã gác lại những ngày nghỉ cuối tuần, tự nguyện tổ chức ôn tập, phụ đạo miễn phí. Đáp lại tình cảm ấy, học sinh cũng như người dân ở đây rất quý trọng thầy cô; đến ngày kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam cũng hoa, quà chúc mừng dù đó chỉ là những bông hoa giấy, những món quà nhỏ giản dị... nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, động viên các cô, thầy giáo để họ tiếp tục gắn bó, tận tụy với công việc gieo chữ nơi vùng biên.

Đăng Triều

 

 


Ý kiến bạn đọc