Multimedia Đọc Báo in

Vươn tới tầm cao tri thức

07:48, 15/02/2013

Đỗ điểm cao vào nhiều trường đại học, những học sinh ưu tú của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du tiếp tục khẳng định mình ở môi trường học vấn cao hơn: tự tin, dám đương đầu với khó khăn, nỗ lực hết mình để thành công.

Đi để thử thách và hoàn thiện bản thân

“May mắn có thể đến với bất cứ ai nhưng điều kỳ diệu chỉ có thể đến với những ai biết cố gắng, biết nắm lấy cơ hội” đó là chia sẻ của Nguyễn Vũ Phú, học sinh chuyên Hóa khóa 2007-2010 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du về hành trình chinh phục giấc mơ du học. Không gặp may như nhiều bạn “săn” được học bổng là có thể lên đường đi học, con đường du học của Vũ Phú đầy trắc trở đến mức đôi lúc chính em cũng định bỏ cuộc. Với thành tích 2 lần đạt giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa học, được chọn tham dự vòng thi chọn đội tuyển Hóa Việt Nam dự thi Olympic Hóa quốc tế; tiếp đó “rinh” giải Nhì quốc gia giải Toán trên máy tính cầm tay, tốt nghiệp THPT loại giỏi và thi đỗ Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (28 điểm) Vũ Phú là ứng viên du học Pháp theo Đề án 322 của Chính phủ. Niềm vui, hạnh phúc sắp được học tại một trường đại học danh tiếng của Pháp mà Vũ Phú vẫn mơ từ khi mới bước vào bậc THPT bỗng dưng bị ngừng lại khi Đề án 322 gặp khó khăn về kinh phí. Bàng hoàng, hụt hẫng, nhưng qua động viên của thầy cô, bạn bè, bố mẹ, Vũ Phú quyết định dự tuyển vào Đại học hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN) khi Bộ GD-ĐT có hướng dẫn các sinh viên dự tuyển các học bổng ở Nga hoặc Nhật. Vũ Phú chia sẻ: “Sự rẽ ngang này làm em hơi hụt hẫng nhưng khi bình tĩnh suy nghĩ lại em thấy cần nắm bắt cơ hội hiếm hoi này để trở thành một bác sĩ giỏi. Đi để thử thách và hoàn thiện bản thân mình”. Hiện tại Vũ Phú đang theo học 1 năm dự bị tiếng Nga để năm sau vào học ngành Bác sĩ đa khoa. Phú cho biết, Đại học hữu nghị các dân tộc Nga có sinh viên 150 nước theo học, Việt Nam có 200 sinh viên. “Hồi mới sang cũng rất nhớ nhà, nhớ các món ăn Việt Nam, nhưng nhờ chương trình giao lưu, chia sẻ của các lưu học sinh Việt Nam nên phần nào vơi đi. Ở bên Nga, vui nhất là đi chợ Việt. Tuy chợ hơi xa, mất khoảng 2 giờ tàu điện ngầm nhưng ở đó được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người Việt, ăn các món ăn quê nhà như bún, phở, hủ tiếu… Những lần gặp ngắn ngủi ấy giúp em vơi đi nỗi nhớ nhà, có thêm động lực quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ giỏi”.

Theo đuổi đến cùng niềm đam mê

Tự tin bước vào giảng đường Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh với điểm số khiến không ít thí sinh dự thi đại học mơ ước (28 điểm) Phạm Hoàng Đại, học sinh lớp chuyên Toán – Tin Trường THPT Chuyên Nguyễn Du chia sẻ: “để học tập giỏi cần phải có sự sáng tạo thông qua 3 yếu tố: Tri thức, mục tiêu, đam mê. Tri thức, mục tiêu là cần thiết nhưng chưa đủ, đam mê chính là “chất men” thôi thúc mỗi người dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết tâm đạt được mục tiêu đặt ra. Nếu từ bỏ đam mê, sở thích chỉ vì nỗi sợ hãi là sai lầm lớn nhất!”. Trong kỳ thi đại học vừa qua, có bạn đỗ điểm cao ở 2 khối thi nhưng vì nhiều lý do đã chọn ngành học không theo ý muốn… và khi nhận ra thì đã muộn”. Với Hoàng Đại thi đỗ đại học mới chỉ là bước khởi đầu, chặng đường phía trước còn dài và không ít chông gai nhưng một khi đã xác định bản thân sẽ dễ dàng vượt qua những rào cản trong cuộc sống. Còn nhớ 3 năm trước thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, Hoàng Đại cảm thấy “ngợp” hay nói đúng hơn là bị áp lực bởi môi trường học tập, nhưng cảm giác ấy mau chóng qua đi  khi được các thầy cô tận tình giúp đỡ và quan trọng hơn hết là mục tiêu thi đỗ đại học. Cổng trường đại học rộng mở, mục tiêu trở thành bác sĩ giỏi đang ở phía trước, chàng sinh viên Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đang theo đuổi niềm đam mê bằng việc trau dồi và tích lũy kiến thức. Còn quá sớm để lựa chọn chuyên ngành, nhưng chàng sinh viên Y khoa đến từ huyện Ea Kar quyết tâm theo học chuyên khoa và ấp ủ dự định du học để được tiếp xúc với nền giáo dục chất lượng cao và có cơ hội được cống hiến nhiều nhất cho quê hương.

Tự tin - chìa khóa cho thành công

Nguyễn Sĩ Giáp (người cầm loa) cùng các bạn tham gia trò chơi lớn
Nguyễn Sĩ Giáp (người cầm loa) cùng các bạn tham gia trò chơi lớn

Năng động, nhanh nhẹn và đầy tự tin... là điều chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với Nguyễn Sĩ Giáp, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh. Cũng bởi thích sự năng động nên Sĩ Giáp không chút đắn đo chọn học ngành kinh tế thay vì ngành y dược dẫu điểm thi của hai ngành đều trên 27 điểm. Môi trường học tập năng động tại Trường Đại học Ngoại thương, nhất là các hoạt động do Đoàn trường tổ chức rất phù hợp với tính cách của chàng sinh viên đến từ xã vùng sâu Cư Đlêi M’nông của huyện Cư M’gar. Giáp bộc bạch: “Khi em quyết định chọn học kinh tế không ít người ngăn cản vì sinh viên ngoại thương đang “khủng hoảng thừa”, còn học Y Dược, nếu không xin được việc làm ở các cơ sở y tế thì vẫn có thể đầu quân cho các phòng khám tư nhân”. Sĩ Giáp còn cho rằng hiện nay tốt nghiệp ra trường chỉ có bằng cấp thôi thì chưa đủ. Cuộc sống hiện đại với môi trường làm việc ngày càng năng động, nhiều sức ép và tính cạnh tranh thì kỹ năng “mềm” là một yếu tố không thể thiếu. Đó là kỹ năng thực hành xã hội, như khả năng thích ứng với môi trường làm việc, giải quyết khủng hoảng, xây dựng niềm tin, làm việc nhóm, tinh thần sáng tạo, học hỏi, tiếp cận cái mới, thiết lập quan hệ... Với suy nghĩ trên, ngoài tích cực tham gia các hoạt động do lớp, Đoàn trường tổ chức, Sĩ Giáp còn chủ động tham gia các hoạt động xã hội. Môi trường này giúp Sĩ Giáp phát triển năng lực, tự tin trong học tập, năng động trong các hoạt động xã hội, đây cũng chính là chìa khóa của sự thành công.

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc