Thắp sáng ngọn lửa yêu nghề
Hiện nay, việc sử dụng đèn chiếu trong giảng dạy khá phổ biến và đang được khuyến khích trong các cấp, ngành học.
Tuy nhiên, do loại bảng sử dụng cho đèn chiếu được làm bằng chất liệu vải nên không “hút” được các dụng cụ hỗ trợ học tập khác như bảng bìa, bảng kẹp bảo vệ… làm hạn chế sự tham gia của học sinh và quá trình truyền đạt kiến thức của giáo viên. Để khắc phục những nhược điểm trên, đồng thời mong muốn giúp các em học sinh hiểu bài dễ dàng, tham gia sôi nổi và hứng thú hơn vào tiết học, cô Nguyễn Thị Thanh Hải (giáo viên Anh văn Trường THCS Hòa Xuân TP. Buôn Ma Thuột) đã thử nghiệm thành công và nhân rộng mô hình "Sử dụng bảng tĩnh điện và bảng bìa, bảng kẹp bảo vệ hỗ trợ cho máy chiếu" trong Trường THCS Hòa Xuân.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hải giới thiệu mô hình “Sử dụng bảng tĩnh điện và bảng bìa, bảng kẹp bảo vệ hỗ trợ cho máy chiếu”. |
Theo cô Hải thì bảng tĩnh điện ngoài việc sử dụng như bảng để đèn chiếu còn có thể thu hút được nhiều dụng cụ hỗ trợ học tập khác. Bảng kẹp bảo vệ vừa như bảng bìa, vừa không bị xóa mờ khi xếp lại mà có thể lưu phục vụ cho những tiết học sau. Việc giảng dạy bằng mô hình này giúp các em có thể viết vào bảng bìa và dán vào nội dung giáo viên yêu cầu trên màn hình chiếu của bảng tĩnh điện. Đặc biệt đối với bộ môn tiếng Anh, mô hình này giúp học sinh học lực trung bình, hoặc yếu, nhất là học sinh dân tộc thiểu số luyện được kỹ năng viết. Không những thế nó giúp các em ôn lại kiến thức cũ một cách nhanh chóng để thực hành, làm bài tập, bởi các nội dung này sẽ được dán sang phần bảng chống lóa ở bên cạnh nếu nội dung bài được chuyển qua mục khác. Đây cũng là một phần quan trọng vì qua thực tế, học sinh khá, giỏi có thể nắm bắt rất nhanh nhưng đối với đối tượng học sinh trung bình, yếu thì còn nhiều hạn chế. Việc gắn các nội dung chủ yếu cần nhấn mạnh được ghi ở bảng bìa sang bảng chống lóa cũng giúp những em ghi không kịp khi cô giáo chuyển sang nội dung mới vẫn có thể tiếp tục viết và theo dõi vì trong thực tế tốc độ viết bài và tiếp thu bài của một số em còn rất chậm. Cô Hải chia sẻ: "Bảng tĩnh điện, bảng bìa và bảng kẹp bảo vệ có khả năng ứng dụng cao trong các tiết học, nhất là những môn học cần nhiều dụng cụ hỗ trợ dạy học. Với thực tế của một trường ở vùng ven còn nhiều khó khăn, đa số học sinh là người dân tộc thiểu số thì nội dung chương trình giáo dục cải cách cũng khá nặng, các em khó tiếp thu hết lượng kiến thức của một tiết dạy. Do đó, khi áp dụng mô hình này vào giảng dạy, các em rất hứng thú, tham gia sôi nổi trong quá trình học, từ đó việc tiếp thu kiến thức cũng hiệu quả hơn".
Có thể nói, kiến thức học sinh tiếp nhận được sau giờ học là kết quả nói lên chất lượng giảng dạy của giáo viên và thái độ học tập của các em. Để đạt được điều này đòi hỏi mỗi thầy, cô phải tạo hứng thú, say mê và thu hút sự tham gia của học sinh. Với sự sáng tạo của mình, cô Thanh Hải đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy. Cô đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2011; UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào thi đua lao động sáng tạo giai đoạn 2007 – 2012... Sáng kiến kinh nghiệm "Sử dụng bảng tĩnh điện và bảng bìa, bảng kẹp bảo vệ hỗ trợ cho máy chiếu" cũng đoạt giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ II (năm 2009).
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc