Multimedia Đọc Báo in

Việc chọn ngành, nghề phù hợp sẽ quyết định thành công của mỗi người

15:19, 15/03/2013

 

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2013-2014 đang đến gần. Để giúp các thí sinh có thêm kiến thức và định hướng trong việc chọn trường, chọn ngành, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ LÊ CÔNG TOÀN, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc (ĐHKT) Đà Nẵng.


 

*Tiến sĩ có thể cho biết những điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 - 2014?

Kỳ thi tuyển sinh (ĐH, CĐ) năm 2013 – 2014 có các điểm mới sau: Bổ sung Ban Chấm kiểm tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường. Ban Chấm kiểm tra tổ chức chấm ngẫu nhiên tối thiểu 5% tổng số bài thi của từng môn thi tự luận. Bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CĐ hoặc ĐH. Những thí sinh này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy. Đối với thí sinh dự thi liên thông theo đề thi chung của Bộ, kết quả thi được sử dụng để xét tuyển theo chỉ tiêu đào tạo liên thông của trường. Nếu không trúng tuyển được xét vào học liên thông các trường khác, cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường cần tuyển. Các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển 20-8-2013 đến hết ngày 30-10-2013. Điểm trúng tuyển được xác định theo nguyên tắc: điểm trúng tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Một điểm mới nữa là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Đề án tuyển sinh riêng thí điểm cho 10 trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật, gồm: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, CĐ Múa Việt Nam, CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Thí sinh đăng ký dự thi vào trường nào trong số này chỉ được xét tuyển vào trường đó. Trường hợp thí sinh không trúng tuyển trường đã dự thi thì không được dùng kết quả thi vào trường này để xét tuyển vào trường khác, kể cả các trường chỉ xét tuyển các khối trên.

*Tiến sĩ có nhận định như thế nào về sự cảnh báo thừa nhân lực ở một số ngành kinh tế?

Nhóm ngành kinh tế hiện nay bị cho là thừa nhân lực. Tôi cho rằng, các ngành này đang lâm vào tình trạng vừa thiếu vừa thừa nhân lực như nhiều ngành nghề khác, thiếu những người chuyên nghiệp, có kỹ năng cao. Trong điều kiện tái cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp, kể cả tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhu cầu nhân lực có chững lại, nhưng không có nghĩa là không tuyển mới. Các doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân lực đòi hỏi ngày càng cao về mọi mặt, nhất là kinh nghiệm thực tế. Do đó, ai làm giỏi, chấp nhận thách thức, có kỹ năng tốt vẫn có cơ hội được tuyển dụng.

Việc tạm dừng mở mới các ngành này một phần nào đó sẽ điều chỉnh lại cơ cấu lao động của nền kinh tế. Hiện nay, tình hình càng khó khăn hơn vì suy thoái kinh tế, hàng nghìn doanh nghiệp phải giải thể đã khiến sinh viên ra trường tìm việc làm rất khó khăn. Nhưng xét về dài hạn, kinh tế phát triển theo chu kỳ 5 - 6 năm sau sẽ thay đổi sang một chu kỳ khác và lúc đó khi các em ra trường thì nhu cầu lao động cũng thay đổi theo. Đây chính là điểm mà các thí sinh phải đặc biệt lưu ý khi chọn ngành đăng ký dự thi.

*Năm 2013, Trường ĐHKT Đà Nẵng có tuyển sinh các ngành kinh tế không thưa Tiến sĩ?

Trường ĐHKT Đà Nẵng là cơ sở đào tạo đa ngành. Năm nay trường tuyển sinh theo hình thức xét tuyển căn cứ vào kết quả thi ĐH, CĐ năm 2013 của những thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại các trường có tổ chức thi trong phạm vi cả nước. Trong đó, trình độ đại học có 12 ngành: Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Kỹ thuật công trình xây dựng (dân dụng và công nghiệp), Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng (hạ tầng đô thị), Quản lý xây dựng, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh (Tiếng Anh biên - phiên dịch, Tiếng Anh du lịch). Trình độ cao đẳng có 4 ngành: Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng cầu đường), Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh. Ngoài ra, Trường còn có các phương thức đào tạo khác như: Đại học văn bằng thứ hai, học cùng lúc hai chương trình; liên thông từ CĐ lên ĐH.

Các ngành Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh đã rà soát chương trình đào tạo, đề cương chi tiết các học phần, thiết kế chương trình dạy và học gắn liền với các doanh nghiệp, đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên, nhằm bảo đảm sinh viên khi ra trường đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Vì vậy, năm 2013 trường vẫn tiếp tục tuyển sinh các ngành này. 

*Tiến sĩ có lời khuyên gì đối với các em học sinh khi chọn ngành học?

Thực tế cũng còn nhiều trường hợp việc chọn ngành của các thí sinh là chạy theo bạn bè hoặc do phụ huynh ép buộc. Điều này nhiều khi không có lợi. Vì vậy theo kinh nghiệm cá nhân, khi quyết định lựa chọn ngành nghề nào đó phụ huynh và các em học sinh cần chú ý đến 3 vấn đề sau: phù hợp với năng lực của bản thân, sự hứng thú say mê với nghề và điều kiện kinh tế gia đình.

Khi lựa chọn ngành nghề để học tập không nên chỉ dựa vào sở thích ngẫu hứng hoặc theo số đông bạn bè mà nên bắt đầu từ tìm hiểu về cơ hội, thách thức cũng như yêu cầu của từng vị trí nghề nghiệp để từ đó xác định mình thích nghề nào, tính cách, giá trị và kỹ năng của mình có phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp đó hay không, sau đó mới đến việc tìm xem để làm nghề đó thì nên học ngành nào. Việc chọn được ngành, nghề phù hợp như vậy là yếu tố quan trọng giúp mỗi người thành công trên cả con đường học vấn lẫn sự nghiệp.

*Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc