Ngậm ngùi từ một trò đùa
Ngày 29-3-2013 Bộ GD-ĐT đã công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 (gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Sinh, Hóa, Địa) khiến hàng triệu học sinh và phụ huynh trên cả nước thở phào nhẹ nhõm.
Bởi trước đó-vào khoảng trung tuần tháng 3-2013, có thông tin trên mạng tung ra: 6 môn thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT quyết định năm nay, ngoài 3 môn bắt buộc: Toán, Văn, Ngoại ngữ… còn có thêm 3 môn “phụ của phụ” là Giáo dục công dân, Thể dục và Công nghệ. Thông tin này, tất nhiên là không có căn cứ và được xem là “tin vịt” nhưng cũng khiến không ít học sinh tỏ ra hoang mang, lo lắng. Tâm trạng ấy cho thấy điều gì đã xảy ra đằng sau đó? Có thể nói đây là trò đùa nhằm “hù” nhau cho vui, nhưng lại đánh trúng tâm lý học hành theo kiểu “bên trọng, bên khinh” của các em hiện nay. Thực tế cho thấy, từ đầu cấp học THPT, phần lớn học sinh đều tập trung đầu tư cho các môn học chính (Toán, Văn, Ngoại ngữ), những môn còn lại thì tùy vào sự chọn lựa của các em khi có quyết tâm bước tiếp vào cánh cửa Đại học và cao đẳng sau này. Còn các môn như Giáo dục công dân, Thể dục, Công nghệ… thì phần lớn đều thả nổi! Bởi thế tâm lý lo lắng trước “tin vịt” nói trên cũng là dễ hiểu. Thông tin chính thức dĩ nhiên là do Bộ GD-ĐT công bố; và thời điểm công bố theo quy định là cuối tháng 3 hằng năm với mục đích (như Bộ truyền đạt) để hạn chế tình trạng học sinh học lệch (!)
Không ít nhà giáo có kinh nghiệm và thâm niên cho rằng, mục đích của Bộ GD-ĐT đã cho thấy phần nào sự lệch lạc của nền giáo dục hiện nay: học sinh “học tủ, học lệch” ở bậc THPT để chăm chăm hướng đến cổng trường đại học và cao đẳng là điều đáng quan ngại về mặt lâu dài, trong đó nhãn tiền là có lắm học sinh dù đã tốt nghiệp THPT, nhưng mặt bằng kiến thức chung về xã hội lại hụt hẫng, thậm chí rất kém. Vấn đề đáng nói hơn là từ “tin vịt” trên cũng cho thấy sự thiếu tường minh trong quy định môn thi của quy chế thi tốt nghiệp cho từng năm học. Nhiều người cho rằng, hằng năm Bộ GD-ĐT sẽ chọn 6 trong 8 môn học làm môn thi tốt nghiệp THPT. Trong đó 3 môn cố định là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 3 môn còn lại được chọn trong các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… Song, những quy định đó căn cứ vào văn bản nào của Bộ thì không ai chỉ ra được. Tại khoản 1 điều 6 Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm Thông tư 10/2012 của Bộ GD-ĐT quy định môn thi chỉ có một câu: “Môn thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT công bố chậm nhất vào ngày 31-3 hàng năm”, chứ không nói rõ gì thêm. Vì vậy thông tin được cho là thất thiệt trên mạng không phải là không có tác động đến nhận thức của mọi người. Bởi nói như một cán bộ quản lý của Sở GD-ĐT Dak Lak cơ chế đẻ ra thông tin thất thiệt ấy không phải là không có, đó chính là thái độ học tập không đồng đều của học sinh và hơn thế là quy chế quy định chọn môn thi tốt nghiệp THPT theo kiểu “xổ số” của Bộ GD-ĐT dẫn đến nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong đó có thể nghiêm túc nhìn nhận “sự cố” thông tin thất thiệt trên, dù là trò đùa của học trò trong thời buổi công nghệ thông tin cao và nhanh nhạy này cũng khiến những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà hiện nay không khỏi ngậm ngùi.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc